Hôm nay (26.5), Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). 
Hàng “nhái” trên TikTok shop. Ảnh: Khánh An Trên TikTok shop, chỉ cần gõ lái tên của các thương hiệu này, hoặc viết tắt, “cố tình” viết sai chính tả, dùng biểu tượng… hàng nghìn kết quả sẽ được hiện ra. Các chủ shop thay tên các thương hiệu nổi tiếng thành HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi. Các sản phẩm từ quần áo, giày dép mang logo của những hãng thời trang nổi tiếng nhưng lại được bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng. Hay có những trường hợp khác, nhiều người vì ham rẻ nên đã nhanh tay chốt đơn mua sách trên TikTok shop, cuối cùng phải nhận về “trái đắng” vì đây đều là sách giả, sách lậu. Trao đổi với Báo Lao Động, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, với sự phát triển của thương mại điện tử, việc mua bán hàng online sẽ ngày càng trở thành quen thuộc, là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cụm từ “mua hàng trên mạng” đã có nội hàm “may rủi”. Đề cập tới vấn đề giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần có quy định về định danh trên không gian mạng với những người tham gia bán hàng. Nếu không có quy định về việc này, chắc chắn quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia mua hàng online sẽ không được đảm bảo. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định để vừa đảm bảo tính tiện lợi, ưu việt của giao dịch từ xa, vừa đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch từ xa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghệ số. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thêm, việc điều chỉnh hành vi thương mại liên quan đến Bộ Công Thương, nhưng quản lí không gian mạng lại thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, còn giao dịch, mua bán, quản lí việc mua bán có đúng luật hay không lại thuộc Bộ Công An. Tôi nghĩ rằng, điều này liên quan đến rất nhiều cơ quan khác nhau nên phải có cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ. Đồng tình với quan điểm trên, ông Đào Minh Hải - Trưởng Ban Pháp chế Hội Bảo vệ người tiêu dùng - cho hay, bán hàng qua mạng phải định danh được người bán hàng, bán hàng trên không gian mạng hay bán hàng ngoài đời thực đều phải định danh được để có sự quản lí thống nhất. Việc này còn liên quan tới truy xuất nguồn gốc, thu thuế… Với các nền tảng bán hàng qua mạng cũng phải có quản lí như ở các địa điểm ở không gian thực. “Những trường hợp cá nhân bán hàng trên không gian mạng nhưng mang tính chất tự phát, không đăng ký… có thể tạm gọi giống như “bán hàng rong, bán hàng vỉa hè” thì cũng cần có quản lí. Cơ quan quản lí nhà nước yêu cầu định danh, đăng ký từ đó có quản lí được con người, quản lí chất lượng hàng hoá, quản lý thuế” - ông Hải nói và cho rằng, không gian mạng mở ra cơ hội kinh doanh cho tất cả mọi người nhưng cũng cần phải có quản lí cho phù hợp. Ông Hải nhấn mạnh, ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng thì cả người tiêu dùng ở không gian thực hay không gian mạng cũng cần được bảo vệ. Vấn đề đưa vào luật cũng phải có những quy định làm rõ những nội dung này. Với việc giao dịch mua - bán trên mạng thì Cục Thương mại điện tử phải có trách nhiệm, bên cạnh đó tham gia bảo vệ người tiêu dùng có các tổ chức xã hội trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Nguồn Báo điện tử Lao động |