Trong các ngày 25, 26, 27/02/2020, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tiến hành làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Kinh Môn, UBND huyện Cẩm Giàng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh và một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người nước ngoài. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Thực hiện Kế hoạch giám sát số 14/KH-TTr ngày 19/02/2020 của HĐND tỉnh về giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định thành lập 02 Đoàn giám sát gồm các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Kinh Môn, lãnh đạo và cán bộ liên quan của Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng HĐND tỉnh, tham gia cùng Đoàn giám sát có lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các thành viên Ban chỉ đạo một số huyện, thị xã, thành phố. Trong các ngày 25, 26, 27/02/2020, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tiến hành làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Kinh Môn, UBND huyện Cẩm Giàng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh và một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người nước ngoài. Qua giám sát, kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị trên, Thường trực HĐND tỉnh có một số ý kiến như sau: 1. Kết quả đạt được Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch làm Phó trưởng ban, Sở Y tế là cơ quan thường trực, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho các thành viên. Công tác phòng, chống dịch đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia hợp tác tích cực của nhân dân. Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm; tổ chức phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, nơi tập trung đông người; các đơn vị, cơ sở y tế đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để thông tin về dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh tới nhân dân. Công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp với các ngành liên quan để quản lý, cách ly, giám sát tình hình sức khỏe người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch được thực hiện tốt; công tác tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch được triển khai tới nhân dân, người lao động tại các doanh nghiệp. Công tác tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch cho nhân viên y tế từ tỉnh tới cơ sở, lãnh đạo các cấp, các ngành, chủ sử dụng lao động trong và ngoài khu, cụm công nghiệp… được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Việc chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế, cơ số thuốc, hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị… để ứng phó khi dịch xảy ra ở các cấp độ được chủ động thực hiện như thành lập các đội phản ứng nhanh tại các cơ sở y tế, phân các tuyến y tế để thu dung, điều trị người cần cách ly, nghi nhiễm và nhiễm bệnh, các đơn vị quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết để cách ly người nghi nhiễm… Các hoạt động lễ hội, hoạt động thể dục thể thao, hoạt động tập trung đông người đã được chỉ đạo hạn chế hoặc dừng tổ chức, tăng cường tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng dịch tại các điểm tham quan, di tích trên địa bàn. Các công ty lữ hành không tổ chức các đoàn du lịch đến các tỉnh, thành phố đang có dịch, không đón khách từ vùng dịch đến. Các cơ sở, đơn vị kinh doanh văn hóa cơ bản thực hiện nghiêm quy định của các cơ quan chức năng. Kinh phí phòng, chống dịch: UBND tỉnh đã cấp cho ngành Y tế 12 tỷ đồng để mua sắm một số trang thiết bị cơ bản; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã cấp 1 tỷ 737 triệu đồng để thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tình hình dịch bệnh đến thời điểm giám sát: Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có 2.571 lao động người Trung Quốc (trong đó 1.235 lao động nhập cảnh trở lại sau Tết nguyên đán), 512 lao động người Hàn Quốc làm việc tại các doanh nghiệp. Các cấp, các ngành đã thực hiện các biện pháp cách ly triệt để, tối đa các trường hợp đến từ vùng có dịch nên tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. Ngành Y tế đã theo dõi cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 19 trường hợp, trong đó có 14 trường hợp đến từ Hồ Bắc (Trung Quốc). Lập danh sách 2.225 trường hợp đi/đến từ vùng dịch Covid-19 về Hải Dương và những trường hợp tiếp xúc gần có nguy cơ cao. Tính đến hết ngày 23/02/2020, toàn tỉnh còn 127 trường hợp cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú, tất cả các trường hợp này đều có sức khỏe bình thường. Các ca nghi ngờ mắc bệnh đầu tiên đều được điều tra, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định, đến ngày 21/02/2020 đã lấy 18 mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính với Covid-19. Công tác hướng dẫn, thực hiện quản lý, kiểm soát, cách ly y tế các trường hợp về từ Hàn Quốc đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai (cách ly tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện, tại nhà và các cơ sở lưu trú…). Các doanh nghiệp được giám sát cơ bản đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như tuyên truyền hướng dẫn người lao động phòng, chống dịch, phun khử trùng nơi làm việc, dọn vệ sinh thường xuyên, phát khẩu trang miễn phí cho người lao động và người dân khu vực lân cận, bố trí xà phòng, nước sát khuẩn, treo pano, áp phích tuyên truyền tại nơi tập trung đông công nhân, đo thân nhiệt cho người lao động và khách trước khi vào doanh nghiệp, bố trí khu vực cách ly và tiến hành cách ly 14 ngày đối với các chuyên gia, người lao động từ vùng dịch về, phối hợp với các cơ quan quản lý và chính quyền sở tại để báo cáo, cập nhật tình hình sức khỏe của người lao động… 2. Khó khăn, hạn chế - Việc quản lý, giám sát y tế đối với các trường hợp đến từ vùng dịch gặp khó khăn nhất là ở các doanh nghiệp. Kiến thức phòng bệnh của một số lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế. - Công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. - Kinh phí cấp cho công tác phòng, chống dịch mới đáp ứng cấp độ khi chưa xuất hiện ca bệnh trên địa bàn; trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất chưa đủ đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, chưa đáp ứng nhu cầu phòng dịch trong thời gian dài và trên diện rộng, việc trang cấp thiết bị bảo hộ cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ xác minh, tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm còn hạn chế. - Một bộ phận nhân dân chưa thực hiện đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người; một số trường hợp chưa thực hiện nghiêm quy định cách ly tại nhà; còn tình trạng người Việt Nam từ vùng dịch về chưa chủ động khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế. - Một số doanh nghiệp chưa phối hợp tốt với cơ quan y tế, chính quyền địa phương trong quản lý, giám sát sức khỏe người lao động nước ngoài. Việc thành lập bộ phận y tế tại một số doanh nghiệp chưa đảm bảo quy định. - Ban Quản lý di tích một số địa phương còn chưa tích cực trong công tác tuyên truyền, khử trùng tại khu vực di tích; một số hộ kinh doanh karaoke chưa chấp hành nghiêm quy định về việc tạm dừng hoạt động. - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh tiếp nhận bệnh nhân nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 vào cách ly, điều trị nhưng còn thiếu trang thiết bị để phục vụ khám bệnh cho các trường hợp phải cách ly, thiếu bác sỹ nên bố trí trực phòng dịch 24/24 gặp khó khăn. - Kinh phí bố trí cho công tác phòng chống dịch nói chung, chế độ phụ cấp cho cán bộ phòng chống dịch nói riêng còn hạn chế. - Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào và xuất, nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc; việc kinh doanh dịch vụ, văn hóa bị đình trệ. 3. Kiến nghị, đề xuất: Qua giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại một số cơ quan, đơn vị, Thường trực HĐND tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất sau: 3.1. Đối với UBND tỉnh - Chỉ đạo, điều hành phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh thực hiện các cấp độ phòng, chống dịch Covid-19, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ các trường hợp trở về từ vùng dịch để có biện pháp khoanh vùng, cách ly; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, tới lao động trong các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, nhất là mạng xã hội để hiểu rõ tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. - Khẩn trương cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch theo quy định; cùng với Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp. 3.2. Đối với cơ quan, đơn vị liên quan - Ngành Y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế; đề xuất với Bộ Y tế xem xét các điều kiện để bố trí xét nghiệm Covid-19 tại địa phương đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng và giảm tải cho tuyến trên. Phát hiện sớm nhất có thể, cách ly tuyệt đối, điều trị tốt cho người nhiễm Covid-19, không để lây nhiễm cho cán bộ y tế; bố trí thiết bị y tế, trang thiết bị bảo hộ cho các đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tránh lây nhiễm chéo; tiếp tục tăng cường tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là cho cán bộ y tế tại doanh nghiệp. - Ngành Công an phối hợp với các cơ quan liên quan nắm chắc tình hình người đến từ vùng dịch lưu trú trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai lệch trong phòng, chống dịch bệnh gây hoang mang dư luận. - Ngành Lao động Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý lao động người nước ngoài đến từ các vùng có dịch để có biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định. - Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chủ động thực hiện tối đa các biện pháp phòng, chống dịch xảy ra trên địa bàn, trong từng lĩnh vực. - Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan để kịp thời thông tin về tình hình sức khỏe của người lao động tại doanh nghiệp, nhất là những người đến từ vùng dịch để khoanh vùng, cách ly y tế; chú trọng công tác y tế tại doanh nghiệp; tích cực thường xuyên triển khai các biện pháp phòng dịch tại doanh nghiệp; nâng cao kiến thức kỹ năng phòng dịch cho người lao động; chủ động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để duy trì đà tăng trưởng của doanh nghiệp thời gian tới. (VP)
|