LIÊN KẾT WEBSITE
 
 

Kinh nghiệm hoạt động
Hà Nam: " Giải pháp nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh"
Cập nhật: 08/04/2019 11:49:02 AM
 

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Hà Nam đã chú trọng đến việc hoàn thiện chính sách, thể hiện rõ định hướng của tỉnh trong vận dụng và cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo tiền đề và động lực cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan thường xuyên rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của pháp luật, đúng trình tự, thủ tục, có tính khả thi cao. Việc ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật đảm bảo theo trình tự thủ tục như:
Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết; Soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết; Thẩm định, UBND tỉnh quyết định trình dự thảo Nghị quyết; Các Ban HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết; Thông qua dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND tỉnh Hà Nam đã tổ chức 07 kỳ họp, ban hành nhiều Nghị quyết là văn bản QPPL, chỉ tính riêng năm 2018, HĐND tỉnh Hà Nam đã ban hành 17 Nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến cơ chế, chính sách của tỉnh, các Nghị quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII như: Nghị quyết quy định chức danh, mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam;Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do thực hiện việc sáp nhập; Nghị quyết về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động thuộc diện dôi dư do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện nghỉ công tác...;

Công tác xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Nam đã được đổi mới, nâng cao chất lượng trên cơ sở bám sát Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản Luật khác giao thẩm quyền cho địa phương xây dựng thể chế. Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống xã hội, được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại và hạn chế như: Còn có cơ quan được phân công soạn thảo chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về quy trình xây dựng văn bản; việc lấy ý kiến đóng góp vào văn bản của các cấp, các ngành liên quan, nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp đôi khi chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa chú trọng việc khảo sát, đánh giá tình hình thực tế và mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các vấn đề cần được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết dự kiến trình  ban hành; chất lượng của một số dự thảo quy phạm pháp luật chưa cao nên khi tổ chức thẩm định, thẩm tra dự thảo mất nhiều thời gian để góp ý, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật trình bày, ảnh hưởng tiến độ theo yêu cầu. 

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xây dựng, ban hành Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam xin trao đổi một số giải pháp như sau:

Một là, Nghị quyết của HĐND tỉnh cần phải cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho đảm bảo phù hợp với quy định và thực tiễn của địa phương.

Xác định những nội dung, lĩnh vực cần ban hành Nghị quyết: Việc lựa chọn nội dung để ban hành nghị quyết trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xuất phát từ yêu cầu thực tế, giải quyết nhiệm vụ cụ thể về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; vấn đề phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân…Đặc biệt, phải làm rõ mục đích của việc ban hành Nghị quyết, mức độ tác động đến các đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương bảo đảm Nghị quyết được thực thi để đưa vào chương trình ban hành Nghị quyết hằng năm của HĐND tỉnh.

Hai là, phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách theo quy định; đồng thời, cần xác định rõ các nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là đối với các dự thảo Nghị quyết có tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân.

Ba là, nâng cao chất lượng soạn thảo đề án, Tờ trình, dự thảo nghị quyết: sau khi đã thống nhất giữa Thường trực HĐND tỉnh về những nội dung cần ban hành trình tại kỳ họp, UBND tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn soạn thảo tờ trình, đề án và dự thảo Nghị quyết. Trước khi xây dựng đề án, Tờ trình các cơ quan chủ trì việc soạn thảo phải thực hiện theo đúng quy trình; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; thu thập thông tin; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị quyết; mục tiêu đề ra phải sát thực tế và có tính khả thi cao; phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó cần quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản…;

Bốn là, Thường trực HĐND tỉnh cần phân công cụ thể nội dung thẩm tra của từng Ban HĐND tỉnh, bảo đảm khoa học, đúng lĩnh vực; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban HĐND để phân tích kỹ những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh giúp cho đại biểu HĐND có thêm thông tin trong việc thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Trong trường hợp đề án, tờ trình, dự thảo Nghị quyết chuẩn bị chưa kỹ, thời gian gửi chậm, không đảm bảo quy định thì đề nghị không đưa vào chương trình trình tại kỳ họp và yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, trình HĐND thông qua vào kỳ họp sau. 

Các Ban HĐND tỉnh cần chủ động vào cuộc, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung cho kỳ họp; chủ động tham dự các cuộc họp, hội thảo do các ngành và UBND tỉnh tổ chức để nắm bắt thông tin, tham gia góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo, dự thảo Nghị quyết. Thường trực HĐND và UBND tỉnh nên tổ chức họp để rà soát lại toàn bộ công việc chuẩn bị cho kỳ họp, thông tin về những vấn đề cần quan tâm qua thẩm tra của các Ban. Đối với những nội dung chuẩn bị chưa chu đáo, quan điểm chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến băn khoăn cần đưa ra thảo luận và thống nhất hướng xử lý những vấn đề có thể phát sinh trong thảo luận tại kỳ họp.

Năm là, tiếp tục đổi mới quy trình thông qua Nghị quyết tại kỳ họp, nâng cao chất lượng kỳ họp, tăng thời gian thảo luận tại Tổ và tại Hội trường. Tại phiên họp, việc điều hành thảo luận, tranh luận phải dân chủ, gần gũi, chân thành, xây dựng, đối thoại.

Sáu là, sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại HĐND tỉnh cần chú trọng khâu tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết. Nếu có những vấn đề chưa phù hợp khi thực hiện nghị quyết, Thường trực HĐND cần trao đổi với Ủy ban nhân dân tỉnh và trình HĐND xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. 

Bảy là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận, quyết định tại kỳ họp. Cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận và quyết nghị./.


                                                                         (Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam)
 
Các tin mới hơn
Quảng Ninh: Hỗ trợ 100% học phí mầm non, phổ thông năm học 2021-2022 (28/08/2021)
Hà Nội: Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai (17/08/2021)
5 bài học kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ (04/08/2021)
Bí thư Đà Nẵng: 'Hy sinh lợi ích kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh' (03/08/2021)
Nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý và đại biểu HĐND các cấp (05/08/2020)
Các bài liên quan
Thái Nguyên: "Đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri" (08/04/2019)
Thành phố Hải Phòng: " Đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri" (08/04/2019)
Nam Định: " Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri " (08/04/2019)
Hưng Yên: "Về thẩm quyền quyết định của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của luật Tổ chức CQĐP và các luật liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp" (08/04/2019)
Thái Bình: " Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện kết luận của thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của kiểm toán nhà nước của Thường trực HĐND tỉnh" (08/04/2019)
 
Quay lạiXem tiếp