Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về HĐND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về HĐND còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, xem xét để kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về HĐND và kịp thời thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc xin được trao đổi, chia sẻ về chủ đề “Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật hiện hành về HĐND và kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015”, như sau: 1. Về tổ chức của HĐND - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm: Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch đã gây khó khăn, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND cấp xã trong trường hợp có ý kiến khác nhau hoặc khuyết một chức danh, khi họp biểu quyết thế nào, vì Thường trực HĐND làm việc theo chế độ tập thể và phiên họp Thường trực HĐND phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Thường trực HĐND tham dự. Đề nghị quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm: Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban của HĐND cấp xã. - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp huyện, cấp xã có Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Pháp chế, nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban Dân tộc…Việc quy định như hiện nay dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu hiệu quả của Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND cấp huyện, cấp xã. Để khắc phục tình trạng phạm vi hoạt động Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND cấp huyện, cấp xã quá rộng đề nghị quy định theo hướng HĐND cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Kinh tế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế. - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định HĐND cấp xã thành lập các Tổ đại biểu HĐND cấp xã đã gây khó khăn cho việc tiếp xúc cử tri, giám sát và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp xã. Vì thực tế hiện nay, nhiều HĐND cấp xã thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã và hoạt động có hiệu quả. Đề nghị quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã. - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định “cứng” số lượng 02 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách. Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, làm giảm tính linh hoạt và chủ động trong bố trí, sử dụng nhân sự trên địa bàn của chính quyền địa phương cấp huyện. Đề nghị quy định theo hướng giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (có 01 Phó Chủ tịch). 2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cả cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, như: Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn... - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương. Đề nghị chuyển thẩm quyền này cho HĐND cấp huyện thực hiện cho phù hợp, vì HĐND cấp huyện quyết định sát thực tế hơn. - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cần quy định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện của từng cấp HĐND trong việc xem xét, thông qua các đề án phân loại đô thị; cần quy định tiêu chuẩn đặc thù đối với đô thị ở miền núi, vùng cao, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. 3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa quy định cụ thể những vấn đề Thường trực HĐND được quyết định giữa 2 kỳ họp; nội dung phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng; trách nhiệm và mối quan hệ của Thường trực HĐND cấp trên đối với Thường trực HĐND cấp dưới. Đề nghị quy định cụ thể để Thường trực HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. - Đề nghị bổ sung thẩm quyền quyết định khen thưởng của Thường trực HĐND cấp tỉnh cho đại biểu, công chức tham mưu, giúp việc HĐND các cấp trong hoạt động của HĐND. 4. Về bầu, miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu; đại biểu HĐND chuyển công tác và xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. - Khoản 1 Điều 83 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Trong nhiệm kỳ, HĐND bầu Chủ tịch HĐND trong số đại biểu HĐND theo giới thiệu của Thường trực HĐND. Trường hợp khuyết Thường trực HĐND thì HĐND bầu Chủ tịch HĐND trong số đại biểu HĐND theo giới thiệu của chủ tọa kỳ họp được chỉ định theo quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật này”. Quy định trên, không thực hiện được khi HĐND bầu Phó Chủ tịch HĐND trong trường hợp khuyết cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, nhưng chỉ có nhân sự bầu Phó Chủ tịch HĐND cấp xã, chưa có nhân sự Chủ tịch HĐND cấp xã. - Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của HĐND quy định: “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi quyết định chuyển công tác của đại biểu HĐND ra khỏi đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu HĐND thì phải thông báo đến Thường trực HĐND cùng cấp”. Quy định này, không khả thi khi đại biểu HĐND là công tác trong lực lượng vũ trang, như: Bộ trưởng Quốc phòng, Công an trước khi quyết định chuyển công tác đại biểu HĐND từ tỉnh về trung ương phải thông báo đến Thường trực HĐND cùng cấp. Đề nghị quy định sau khi quyết định chuyển công tác của đại biểu HĐND ra khỏi đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu HĐND thì phải thông báo đến Thường trực HĐND cùng cấp. - Khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Việc chấp nhận đại biểu HĐND thôi làm nhiệm vụ đại biểu do HĐND cùng cấp xem xét, quyết định”. Trong thực tế, nếu HĐND không chấp nhận đại biểu HĐND thôi làm nhiệm vụ đại biểu thì xử lý thế nào?. Đề nghị quy định cụ thể. - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND miễn nhiệm Chủ tịch UBND theo đề nghị của Chủ tịch HĐND; miễn nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND theo đề nghị của Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định trường hợp điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp không phải miễn nhiệm, còn ủy viên UBND các cấp điều động lại phải miễn nhiệm. Đề nghị quy định theo hướng khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều động, nghỉ chế độ hưu trí, thôi việc, từ chức, chết không phải miễn nhiệm các chức vụ do HĐND bầu. 5. Về hoạt động giám sát của HĐND - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định một số phương thức hoạt động giám sát của HĐND, như: HĐND thành lập Đoàn giám sát về một vấn đề nhất định khi xét thấy cần thiết và xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát tại điểm d khoản 3 Điều 87 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhưng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 không quy định trình tự, thủ tục thực hiện giám sát đối với các phương thức giám sát này. Đề nghị quy định cụ thể. - Hiện nay, Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 không phân biệt rõ HĐND từng cấp giám sát những nội dung gì. Đề nghị quy định về thẩm quyền của HĐND từng cấp trong hoạt động giám sát. - Điểm c khoản 1 Điều 5 Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 quy định thẩm quyền giám sát của Ban của HĐND: “Ban của HĐND giúp HĐND giám sát hoạt động của Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; giám sát hoạt động của Ủy ban Nhân dân, các cơ quan thuộc Ủy ban Nhân dân cùng cấp thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ban phụ trách” và Điều 76 Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 thì các Ban của HĐND tỉnh có 4 phương thức giám sát. Quy định trên không rõ thẩm quyền, đối tượng giám sát của Ban của HĐND có được giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp không. Thực tế hiện nay, có địa phương thực hiện giám sát, có địa phương không thực hiện giám sát đối tượng này. Đề nghị quy định rõ hơn về thẩm quyền, đối tượng giám sát của Ban của HĐND. - Tại khoản 2 Điều 5 Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 quy định: “Khi xét thấy cần thiết, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương”. Việc quy định “Khi xét thấy cần thiết” thiếu minh bạch, dẫn đến tùy tiện trong giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương. Đề nghị quy định rõ “Khi xét thấy cần thiết” là những trường hợp nào. - Quy định rõ chế tài đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng các kiến nghị giám sát, thực hiện chậm kiến nghị giám sát. Hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của HĐND phải được xác định trên cơ sở áp dụng các chế tài cụ thể đối với các đối tượng chịu sự giám sát. Việc đưa ra các chế tài cụ thể, nghiêm khắc sẽ buộc các đối tượng chịu sự giám sát phải báo cáo, giải trình và có biện pháp tích cực khắc phục những vấn đề mà HĐND đã kiến nghị, yêu cầu. - Tại khoản 2 Điều 83 Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 quy định thẩm quyền và trách nhiệm Tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương, nghị quyết của HĐND cùng cấp và những vấn đề do HĐND, Thường trực HĐND phân công, nhưng chưa quy định quy trình Tổ đại biểu HĐND tiến hành hoạt động giám sát. Đề nghị quy định cụ thể quy trình để Tổ đại biểu HĐND tiến hành hoạt động giám sát. - Hoạt động giám sát của Quốc hội đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay hoạt động giám sát của HĐND chưa có văn bản hướng dẫn, đề nghị ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của HĐND. 6. Về tiếp xúc cử tri Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND quy định chung chung, không rõ trình tự, cách thức, trách nhiệm của từng cơ quan. Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa quy định cụ thể về chế độ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, chỉ quy định thông qua trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND (Điều 94); nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND (Điều 104); nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (Điều 112). Do vậy, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND vẫn chủ yếu thực hiện theo Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 (Văn bản đã hết hiệu lực). Đề nghị quy định cụ thể về chế độ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND. 7. Về hướng dẫn, quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 - Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 759 về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của HĐND và đại biểu HĐND cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, như: Quy định rõ trách nhiệm, số lượng, thời gian tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp; quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn do HĐND chuyển đến; quy định về quy trình tiếp nhận và xử lý đơn gửi đến HĐND; quy định về loại đơn thư không đủ điều kiện xử lý... - Khoản 4 Điều 127 giao “Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và Ủy ban nhân dân cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Ủy ban nhân dân cấp xã”. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa quy định, đề nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết các điều, khoản được giao để các địa phương thực hiện thống nhất, như: Ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh./. (Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc)
|