Như chúng ta đã biết, HĐND có hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát. Việc tổ chức các phiên chất vấn và giải trình của HĐND, Thường trực HĐND là hoạt động quan trọng để thực hiện chức năng giám sát của HĐND. Chất lượng và hiệu quả các phiên chất vấn, giải trình này phụ thuộc rất lớn vào công tác tham mưu, chuẩn bị giúp Thường trực HĐND của các Ban HĐND. Trên cơ sở chủ đề của Hội nghị và phân công chuẩn bị tham luận của Ban Tổ chức, từ thực tiễn hoạt động của mình, các Ban HĐND thành phố Hà Nội trình bày sâu vào nội dung vai trò tham mưu của các Ban trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND. Về công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn, giải trình: Một là, xác định số lượng, nội dung các phiên chất vấn, phiên giải trình: Định kỳ cuối năm công tác, Thường trực HĐND giao các Ban HĐND nghiên cứu, tham mưu đề xuất số lượng, nội dung các phiên chất vấn, giải trình (Thường trực HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu mỗi ban đề xuất 03 nội dung/năm). Thực tế hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội, ngoài 02 phiên chất vấn được tổ chức tại 02 kỳ họp thường kỳ của HĐND Thành phố theo luật định, số lượng các phiên giải trình của Thường trực HĐND tổ chức được thực hiện từ 1- 3 phiên (năm 2017 là 01 phiên, 2018 là 02 phiên, năm 2019 kế hoạch là 3 phiên). Về lựa chọn nội dung vấn đề để chất vấn: - Từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp hoặc của Chính phủ hay chính quyền cấp trên; - Từ kiến nghị của cử tri về những vấn đề tồn tại hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước, điều hành của địa phương; - Từ tổng hợp qua đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người liên quan trực tiếp đến thẩm quyền trách nhiệm giải quyết của chính quyền, các cơ quan chức năng cùng cấp; - Từ việc rà soát phát hiện những nội dung quản lý nhà nước chưa được tổ chức giám sát trong thời gian vừa qua; - Qua tiếp nhận, sàng lọc thông tin phản ánh của các cơ quan báo, đài Hai là, phân công Ban HĐND chuẩn bị cho phiên chất vấn, giải trình: Từ dự kiến về số lượng và nội dung do các Ban đề xuất, cân đối với số lượng đầu công việc, nhiệm vụ đặc thù của năm đó (trên cơ sở kế hoạch công tác của Trung ương, Thành ủy và các hoạt động lớn của Thành phố) và khả năng thực hiện của từng Ban, Thường trực HĐND quyết định số lượng và nội dung các phiên giải trình, thời điểm tổ chức và phân công Ban HĐND chủ trì tham mưu chuẩn bị nội dung và đưa vào ấn định tại kế hoạch công tác năm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND ngay từ đầu năm công tác sau. Việc phân công sớm như vậy, sẽ giúp cho các Ban chủ động trong công tác chuẩn bị, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động các phiên chất vấn và giải trình. - Sau khi được Thường trực HĐND phân công trách nhiệm chủ trì tham mưu nội dung chất vấn tại kỳ họp, nội dung phiên giải trình và xác định thời điểm tổ chức, các Ban HĐND chủ động giao các thành viên chuyên trách xây dựng bộ tài liệu tổ chức gồm: + Đối với phiên chất vấn tại kỳ họp: (1). Các văn bản QPPL có liên quan đến nội dung chất vấn; đặc biệt là các quy định liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý nhà nước của đối tượng được giám sát; (2). Bản tổng hợp kết quả thực hiện nội dung vấn đề được chất vấn, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; (3). Gợi ý các vấn đề cần quan tâm để chất vấn. + Đối với phiên giải trình: (1). Ban HĐND được phân công chủ trì tham mưu phải dự thảo kế hoạch tổ chức phiên giải trình (trong đó bao gồm việc xác định nội dung, thời gian cụ thể, địa điểm tổ chức, thành phần đối tượng mời đến giải trình), Đề cương yêu cầu đối tượng giải trình phải báo cáo. (2). Các văn bản QPPL có liên quan đến nội dung chất vấn; đặc biệt là các quy định liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý nhà nước của đối tượng được giám sát; (3). Bản tổng hợp kết quả thực hiện nội dung vấn đề được chất vấn, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; (4). Gợi ý các vấn đề cần quan tâm để chất vấn. Tài liệu này được gửi đến toàn thể đại biểu chuyên trách và các đại biểu HĐND có dự kiến tham gia chất vấn trước khi tổ chức kỳ họp, tổ chức phiên giải trình một khoảng thời gian nhất định để các đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị. Ba là, Ban HĐND được phân công chủ trì tham mưu xây dựng kịch bản điều hành phiên chất vấn, giải trình. Trên cơ sở nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên giải trình của Thường trực HĐND, Ban HĐND tham mưu xây dựng kịch bản điều hành, xin ý kiến Thường trực HĐND quyết định. Trọng tâm của kịch bản điều hành này là quyết định việc xây dựng phóng sự thay cho báo cáo hay không; xác định thời lượng đặt câu hỏi, đối tượng giải trình sẽ được mời lên….. Qua thực tiễn tổ chức của Hà Nội cho thấy, việc xây dựng phóng sự (từ 20-30 phút) để sử dụng thay cho báo cáo đề dẫn về nội dung chất vấn, giải trình (phát ngay đầu phiên chất vấn, giải trình) đem lại hiệu quả hết sức tích cực trong ghi nhận những kết quả đạt được, đặc biệt là làm rõ, nổi bật những nội dung còn tồn tại, hạn chế, thu hút sự quan tâm của đại biểu tham gia. Trong trường hợp Thường trực HĐND quyết định sử dụng phát phóng sự thay trình bày báo cáo thì Ban HĐND chủ trì tham mưu sẽ chủ động phối hợp với đơn vị xây dựng phóng sự truyền hình ghi hình, viết lời bình các hình ảnh liên quan đến nội dung giám sát tại phiên chất vấn hoặc phiên giải trình và dựng phóng sự. Phóng sự này được Thường trực HĐND duyệt nội dung trước khi tổ chức phiên chất vấn, hoặc giải trình diễn ra. Trên cơ sở nguồn thông tin, dữ liệu mà đại biểu HĐND có, trong đó trọng tâm là tài liệu và phóng sự do Ban HĐND chủ trì tham mưu chuẩn bị, các đại biểu HĐND thực hiện việc chất vấn. Về công tác thực hiện chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên giải trình của Thường trực HĐND - Việc tham gia hoạt động chất vấn trong phiên chất vấn, giải trình là trách nhiệm của tất cả các đại biểu HĐND tham dự kỳ họp hoặc tham dự phiên giải trình. Tuy nhiên, để đảm bảo thời lượng và chất lượng của phiên chất vấn, giải trình, các đại biểu chuyên trách được giao trách nhiệm nghiên cứu sâu, kỹ và tham gia chất vấn trực tiếp; tự xây dựng các câu hỏi chất vấn với yêu cầu tập trung thẳng vào nội dung vấn đề tồn tại, hạn chế để tìm trách nhiệm quản lý nhà nước và các giải pháp tháo gỡ, lộ trình tháo gỡ; không hỏi mang tính tìm hiểu thông tin. - Thường trực HĐND khuyến khích các đại biểu tham gia tái chất vấn đối với những đại biểu phải trả lời chất vấn, giải trình chưa có nội dung trả lời rõ, thiếu thuyết phục và khuyến khích các đại biểu không chuyên trách tham gia phát biểu. Để làm được điều này có hiệu quả, các ban HĐND có trách nhiệm cung cấp tài liệu đến các thành viên Ban về nội dung chất vấn, giải trình và động viên các thành viên không chuyên trách nhiệt tình tham gia hoạt động chất vấn. Về công tác theo dõi, giám sát kết quả thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tại phiên chất vấn, phiên giải trình. Sau khi tổ chức phiên chất vấn, giải trình, Ban HĐND được phân công chủ trì tham mưu nội dung sẽ phối hợp với Văn phòng HĐND ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn, giải trình, trong đó có xác định những nội dung kiến nghị của HĐND, Thường trực HĐND gửi đến cơ quan được giám sát để thực hiện. Sau khi thông báo được ban hành, Ban HĐND phối hợp với Văn phòng HĐND có trách nhiệm đôn đốc UBND, các cơ quan chuyên môn có liên quan và các cơ quan, đơn vị được giám sát tại phiên chất vấn, phiên giải trình báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị theo thời điểm được Thường trực HĐND yêu cầu. Kết quả thực hiện kiến nghị là căn cứ để Thường trực HĐND hoặc các Ban HĐND tổ chức tái giám sát nếu cần thiết. Qua thực tiễn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động chất vấn tại kỳ họp và tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội thu được kết quả tích cực: nội dung đúng, trúng với các vấn đề nóng, bức xúc của cử tri; các nội dung qua chất vấn đều tìm được nguyên nhân, chủ thể có trách nhiệm tháo gỡ và giải pháp tháo gỡ; UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn sau chất vấn, giải trình đều có những chuyển biến tích cực, rõ rệt để tháo gỡ tồn tại, hạn chế; công tác tổ chức các phiên chất vấn, giải trình thường xuyên được đổi mới đem lại thu sự hút, quan tâm của cử tri, đại biểu tham gia. Để có được những kết quả nêu trên có đóng góp rất lớn từ công tác tham mưu, chuẩn bị của các Ban HĐND./. (Các Ban HĐND thành phố Hà Nội)
|