Hoạt động chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND, được quy định tại Điều 60, 69 Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 72 Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Đây là những hình thức giám sát của HĐND. Hoạt động chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND, các cơ quan của HĐND đối với các cơ quan, cá nhân khi được chất vấn. Thông qua hoạt động chất vấn, giải trình xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người được chất vấn, giải trình và cơ quan liên quan trong việc giải quyết, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước, những vấn đề được cử tri, nhân dân kiến nghị; thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chức năng thực hiện giải quyết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời thể hiện quyền lực của HĐND tỉnh và khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND. Qua thực tiễn hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến nay, tôi xin thay mặt các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình trao đổi một số nội dung về công tác này ở tỉnh Ninh Bình, như sau: 1. Đối với tổ chức hoạt động chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Ninh Bình đã tiến hành 06 phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh. Để có những nội dung chất vấn cụ thể, sát với yêu cầu thực tế của địa phương, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai đến các Ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu tiến hành nghiên cứu, đề xuất nội dung vấn đề cần chất vấn gửi về Thường trực HĐND tỉnh. Các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tiến hành tổng hợp, phân tích những vấn đề cử tri quan tâm, thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân, tập thể, từ đó đưa ra các vấn đề, nội dung đề xuất chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND. Căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời các ý kiến đề xuất của các Ban, Tổ đại biểu và phiếu chất vấn của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tổ chức phiên họp với lãnh đạo chuyên trách các Ban, Văn phòng HĐND để thống nhất các nhóm vấn đề và nội dung chất vấn để đề nghị HĐND quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người được chất vấn. Quá trình xây dựng chương trình và quá trình diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được yêu cầu trả lời chất vấn báo cáo ngắn gọn vấn đề Chủ tọa kỳ họp nêu, các đại biểu HĐND và một số đại biểu cử tri nơi có vấn đề bức xúc được nêu các câu hỏi chất vấn trực tiếp. Người được chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi cho đến khi không còn ý kiến chất vấn, Chủ tọa kỳ họp mới tổng hợp, đánh giá nội dung trả lời và yêu cầu cam kết thực hiện tại kỳ họp và cụ thể hóa bằng văn bản cam kết. Qua nửa đầu nhiệm kỳ, hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh Ninh Bình được các cấp, các ngành, cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá là có những chuyển biến tích cực, được đồng tình, đánh giá cao. Thông qua 06 phiên chất vấn đã có 114 ý kiến chất vấn đối với lãnh đạo UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; nội dung chất vấn cụ thể, sát hợp, không khí chất vấn sôi nổi; nhìn chung, cả người chất vấn và người được chất vấn đều thể hiện trách nhiệm đối với nhân dân, có sự cầu thị và tinh thần xây dựng. Hoạt động chất vấn đã góp phần khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Như vậy, vai trò của Các Ban HĐND tham mưu giúp Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh, để tổ chức tốt các phiên chất vấn như thế nào: Một là: Ghi nhận, tổng hợp những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực thông qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thông qua hoạt động giám sát, khảo sát. Từ đó, soi chiếu vào các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật, các chính sách do địa phương ban hành, để đánh giá một cách khách quan những vấn đề nêu trên. Đối với những vấn đề bức xúc do chưa hiểu rõ về chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật thì xem xét trách nhiệm về lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Đối với những vấn đề thấy biểu hiện của việc làm chưa đúng chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật, hoặc trách nhiệm còn hạn chế hoặc có sai phạm thì xem xét trách nhiệm theo thẩm quyền. Hai là: Phân tích những biểu hiện cụ thể của các tập thể, cá nhân đối với những vấn đề đã tổng hợp, xác định trách nhiệm cụ thể để xây dựng những vấn đề, lĩnh vực cần giải trình để đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh. Ba là: Trên cơ sở những vấn đề, lĩnh vực đã được Thường trực HĐND thống nhất đề nghị HĐND tiến hành chất vấn, theo lĩnh vực được phân công, các Ban tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh gửi yêu cầu giải trình về những vấn đề chất vấn đến các tập thể, cá nhân có thẩm quyền chuẩn bị báo cáo giải trình chung. Đồng thời các Ban của HĐND dự kiến các câu hỏi chất vấn cụ thể, mang tính định hướng cho các đại biểu và phân công thành viên của Ban hỏi chất vấn tại kỳ họp. Bốn là: Trên cơ sở ý kiến trả lời chất vấn, lãnh đạo các Ban tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với một số thành viên Ban để có câu hỏi bổ sung, yêu cầu làm rõ những vấn đề quan tâm trong nội dung giải trình. Năm là: Nắm bắt nội dung giải trình và những cam kết của cá nhân, tập thể trong phiên giải trình, theo lĩnh vực để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện cam kết. Trước các kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với lãnh đạo các Ban, tiến hành rà soát các nội dung cam kết chất vấn để tham mưu cho Thường trực tiến hành giám sát và báo cáo tại kỳ họp kết quả thực hiện các cam kết chất vấn. 2. Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức 5 phiên giải trình về các nội dung: Vệ sinh môi trường trong xử lý rác thải y tế, bếp ăn trong trường học; một số dự án chậm tiến độ hoặc sử dụng đất không hiệu quả; vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội; việc thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh; việc quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ đối với một số đề tài, dự án khoa học từ năm 2010 đến năm 2018… Đây là một hoạt động mới được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Để thực hiện Luật, Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì nghiên cứu quy trình các bước, mục đích, yêu cầu và phương pháp tổ chức phiên giải trình, thảo luận thống nhất với các Ban và Văn phòng HĐND, từ đó đưa ra một quy trình hợp lý để tiến hành phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh. Đồng thời Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức mỗi năm 03 phiên giải trình, phân công các Ban đề xuất nội dung và trực tiếp chủ trì tham mưu giúp Thường trực HĐND chuẩn bị các nội dung cho phiên giải trình. Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trước phiên họp ít nhất 10 ngày. Vai trò của Các Ban HĐND tham mưu giúp Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh, để tổ chức tốt các phiên chất vấn như thế nào: Một là: Thông qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, các Ban đề xuất nội dung yêu cầu giải trình (thông thường đề xuất 2-3 nội dung). Sau khi Thường trực xem xét chọn một nội dung cụ thể và giao cho Ban trực tiếp tham mưu, Ban chủ trì tiến hành xây dựng Kế hoạch (xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phạm vi yêu cầu giải trình và thời gian tiến hành giải trình). Dự kiến phương án tiếp cận thông tin yêu cầu giải trình một cách sát thực, sống động nhất. Hai là: Ban chủ trì phối hợp với các Ban tiến hành khảo sát: Báo cáo, hồ sơ tài liệu và thực trạng khách quan vấn đề ở cơ sở. Đối với những nội dung cần thiết có thể ghi lại hình ảnh, xây dựng video clip minh họa. Ba là: Xây dựng tổng hợp Báo cáo các căn cứ, chứng lý cụ thể về vấn đề giải trình, các nội dung yêu cầu giải trình gửi cơ quan có liên quan là đối tượng giải trình. Bốn là: Phối hợp với Văn phòng HĐND xây dựng chương trình, nội dung, các bước tiến hành phiên giải trình, các câu hỏi chất vấn trong phiên giải trình. Năm là: Trực tiếp gợi mở, cung cấp thông tin cho đại biểu tham gia phiên giải trình để chất vấn và yêu cầu làm rõ nội dung giải trình. Đồng thời dự thảo kết luận phiên giải trình. Trong trường hợp cụ thể tham mưu giúp Thường trực xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề giải trình. Đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết của các tập thể, cá nhân sau phiên giải trình. 3. Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình tham mưu * Đối với hoạt động chất vấn - Việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân đối với nội dung chất vấn là vấn đề quan trọng hàng đầu, giúp cho vấn đề chất vấn được xem xét thấu đáo, xác định được những nút thắt của vấn đề và trách nhiệm giải quyết nhanh nhất. Đây là trách nhiệm của các Ban tham mưu theo lĩnh vực phụ trách. - Cần nghiên cứu có những thông tin khá đầy đủ về những khó khăn, hạn chế, vướng mắc gắn liền với những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan vấn đề chất vấn để tham mưu làm rõ những vấn đề quan tâm. - Chất vấn cần có trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề chính, cần nghiên cứu tham mưu nội dung rõ ràng, dễ hiểu để giúp cho đại biểu, chủ tọa hiểu rõ vấn đề để có những câu hỏi chất lượng và kết luật chính xác. * Đối với hợt động giải trình - Ban tham mưu nội dung giải trình phải nắm cơ bản thông tin, giữ liệu, xác định chắc chắn những khó khăn, vướng mắc, sai phạm trong vấn đề yêu cầu giải trình, phác họa hướng đi cho quá trình thâm nhập thông tin yêu cầu giải trình một cách chính xác. - Ban tham mưu cần nghiên cứu sâu sắc để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, có điều kiện tiếp cận cao nhất đối với thông tin, tài liệu, cơ quan, đơn vị liên quan để có những chứng lý xác thực nhất phục vụ cho yêu cầu giải trình. Trong trường hợp cụ thể có thể đưa ra những chứng lý mang tính quy kết trách nhiệm, giúp cho chủ trì phiên giải trình có những kết luận chính xác. - Phải nắm được cốt lõi vấn đề, đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề, tránh để phiên giải trình đi vào ngõ cụt hoặc rơi vào tình trạng luẩn quẩn không có đường ra.
(Các Ban HĐND tỉnh Ninh Bình) |