LIÊN KẾT WEBSITE
 
 

Kinh nghiệm hoạt động
Hưng Yên: "Vai trò, trách nhiệm của Ban trong việc thẩm tra các văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh đối với các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp"
Cập nhật: 08/04/2019 03:21:49 PM
 

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hưng Yên tham luận nội dung “Vai trò, trách nhiệm của Ban trong việc thẩm tra các văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh đối với các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp” như sau:

Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Nhiệm vụ này không được quy định rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã căn cứ vào quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành, tình hình thực tế của tỉnh và sự ủy quyền của HĐND tỉnh (bằng Nghị quyết) để xem xét và cho ý kiến đối với các văn bản, Tờ trình của UBND tỉnh.

Thẩm tra các nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp để giúp Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định đúng đắn các vấn đề để trả lời UBND tỉnh. Các Phó Trưởng ban chuyên trách luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, xem xét, tổ chức thẩm tra kỹ lưỡng các nội dung phát sinh được Thường trực HĐND tỉnh phân công. Nội dung thẩm tra đi sâu vào các vấn đề về thuộc thẩm quyền, cơ sở pháp lý, sự cần thiết và tính khả thi, phù hợp tại địa phương; qua đó nêu ra những kiến nghị, đề xuất về những vấn đề đó. Báo cáo thẩm tra của Ban có ý nghĩa quan trọng cung cấp thêm thông tin cần thiết giúp Thường trực HĐND đưa ra những ý kiến đảm bảo đúng pháp luật, có tính khả thi cao và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên đã kịp thời cho ý kiến và quyết định các nội dung có liên quan đến thẩm quyền của HĐND tỉnh theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh. Qua thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy, việc xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thường tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế và ngân sách (chiếm trên 93,6% các đề xuất[1]), tập trung chủ yếu vào các vấn đề:

- Cho ý kiến về phân bổ, điều chỉnh ngân sách Nhà nước, số thu không đạt dự toán được Hội đồng nhân dân quyết định phải điều chỉnh; phân bổ chi tiết các khoản chi; dự phòng ngân sách; vốn vay; kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định của Luật;

- Cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công (đối với dự án nhóm B và nhóm C trọng điểm) và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về đầu tư công;

- Cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k); danh mục, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng, diện tích nhà làm việc chuyên dùng…

- Cho ý kiến về các nội dung điều chỉnh biên chế, số lượng người làm việc của các đơn vị…

Về trình tự thực hiện, sau khi nhận được Báo cáo, tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh, Thường trực HĐND chọn lọc những nội dung cần thiết, cần quyết định ngay và giao các Ban liên quan thẩm tra, báo cáo tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh; thành phần mời dự phiên họp của Thường trực có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trực tiếp, vì vậy, các nội dung được bàn bạc thống nhất dân chủ khách quan, đảm bảo chất lượng, kịp thời. Hầu hết các nội dung UBND tỉnh trình đều có văn bản cho chủ trương chấp thuận của Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh ủy, nên việc thẩm tra, quyết định của Thường trực HĐND cũng thuận lợi hơn. Ngay sau phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh để triển khai thực hiện đồng thời giao Văn phòng tổng hợp để Báo cáo với HĐND tại phiên họp gần nhất.

Do thực hiện nghiêm túc trình tự các bước của công tác thẩm tra nên hoạt động thẩm tra của Ban ngày càng nền nếp, hiệu quả, chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng cao, về cơ bản Báo cáo thẩm tra của Ban được Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh tán thành, được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các ý kiến, quyết định của Thường trực HĐND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp.

Tuy nhiên, hoạt động thẩm tra Ban Kinh tế Ngân sách và các Ban HĐND tỉnh Hưng Yên cũng gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra, xây dựng báo cáo thẩm tra như:

1. Hiện nay các Luật đã ban hành chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc cho ý kiến, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp.

Tại Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của HĐND. Đối với các vân đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định... mà không có quy định về việc ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh xem xét, giải quyết.

Như vậy, hiện nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp mà Điều 104 của Luật tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định nhiệm vụ quyền hạn của Thường trực HĐND trong các việc chuẩn bị kỳ họp, tổ chức giám sát và các công việc khác của Thường trực HĐND.

Tuy nhiên, thực tế nhiều luật và văn bản dưới luật về lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành lại có một số nội dung giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh quyết định được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước  năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014 ... như phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách; phân bổ, điều chỉnh ngân sách Nhà nước; phân bổ chi tiết các khoản chi; quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công (đối với dự án nhóm B và nhóm C trọng điểm);

Hoặc thẩm quyền cho ý kiến về dự phòng ngân sách; hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k); quy định danh mục, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng, diện tích tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc chuyên dùng….

Như vậy, Quy định thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp chưa được làm rõ và đầy đủ trong các văn bản pháp luật gây khó khăn cho việc áp dụng và thực hiện, phần nào tác động, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… dẫn tới việc các địa phương thực hiện không thống nhất; có địa phương đưa nội dung ra quyết định tại kỳ họp (chuyên đề), có địa phương quyết định tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh chưa xác định rõ trách nhiệm thẩm quyền của HĐND hay của Thường trực HĐND đối với những nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp.

2. Một số vấn đề UBND tỉnh trình xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh nhưng gửi văn bản đến Thường trực HĐND sát với ngày diễn ra phiên họp, thậm chí đôi khi là ngay đầu giờ của ngày diễn ra phiên họp Thường trực, dẫn đến tình trạng có lúc việc thẩm tra chưa đi sâu, đánh giá, phân tích chưa đầy đủ các nội dung của vấn đề trình, ảnh hưởng đến chất lượng quyết định của Thường trực HĐND. Nhiều hoạt động thẩm tra chủ yếu theo Tờ trình mà không đủ thời gian tổ chức thẩm tra tại các đơn vị..

Từ thực tế hoạt động thẩm tra giữa hai kỳ họp trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh Hưng Yên rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp thực hiện như sau:

Thứ nhất, Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, theo đó quy định cụ thể việc giao thẩm quyền quyết định một số vấn đề quan trọng, liên quan đến quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết các vấn đề phát sinh khác giữa hai kỳ họp cho Thường trực HĐND. Lựa chọn, quyết định các vấn đề cần thiết nên để Thường trực HĐND quyết định nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Quy định thống nhất, rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh để đảm bảo hoạt động thẩm tra của Ban báo cáo Thường trực, HĐND phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thực tế địa phương.

Thứ hai, các Ban HĐND tỉnh cần phải bám sát các đơn vị chuẩn bị Tờ trình và các thông báo của Tỉnh ủy để thực hiện thẩm tra đồng thời nắm bắt một cách có hệ thống các chính sách, chế độ của địa phương. Điều này cần thiết cho việc thẩm tra, đánh giá và quyết định các vấn đề, nhất là các lĩnh vực về kinh tế, tài chính, ngân sách.

Thứ ba, việc xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp phải được Thường trực HĐND tỉnh điều hòa, phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ của  các Ban, nhằm phát huy vai trò của các Ban trong nghiên cứu, thẩm tra, góp phần bảo đảm việc quyết định của Thường trực HĐND tỉnh đúng và hợp lý.

Thứ tư, Ban được Thường trực HĐND phân công thẩm tra phải nêu cao trách nhiệm, phát hiện vấn đề, nêu được ý kiến phản biện hợp lý, đúng quy định của pháp luật để xử lý vấn đề, giúp Thường trực HĐND tỉnh quyết định chính xác, đúng đắn, đáp ứng công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp.

                                                               (Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hưng Yên)

[1] Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến với 125 tờ trình, văn bản đề nghị của UBND tỉnh; 117/125 tờ trình, văn bản đề nghị thuộc lĩnh vực KT-NS

 


 
Các tin mới hơn
Quảng Ninh: Hỗ trợ 100% học phí mầm non, phổ thông năm học 2021-2022 (28/08/2021)
Hà Nội: Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai (17/08/2021)
5 bài học kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ (04/08/2021)
Bí thư Đà Nẵng: 'Hy sinh lợi ích kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh' (03/08/2021)
Nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý và đại biểu HĐND các cấp (05/08/2020)
Các bài liên quan
Ninh Bình: "Vai trò tham mưu của các Ban trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND" (08/04/2019)
Thành phố Hà Nội: "Vai trò tham mưu của các Ban trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND" (08/04/2019)
Công tác phối hợp hoạt động của Đoàn ĐBQH với HĐND tỉnh Hải Dương (08/04/2019)
Vĩnh Phúc: "Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật hiện hành về HĐND và những kiến nghị, đề xuất sửa đổi luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015" (08/04/2019)
Hà Nam: " Giải pháp nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh" (08/04/2019)
 
Quay lạiXem tiếp