LIÊN KẾT WEBSITE
 
 

Kinh nghiệm hoạt động
Hà Nam: "Kinh nghiệm tổ chức thẩm tra các văn bản trình kỳ họp HĐND nói chung, thẩm tra các dự thảo nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luận nói riêng"
Cập nhật: 08/04/2019 03:24:00 PM
 

Thẩm tra các văn bản trình tại kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của các Ban HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban là căn cứ quan trọng giúp Đại biểu HĐND có thêm thông tin để thảo luận, xem xét và quyết định những nội dung tại kỳ họp, góp phần đảm bảo  đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước phát huy được tính hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Tại Hội nghị hôm nay, các Ban HĐND tỉnh Hà Nam xin được trao đổi với Hội nghị về nội dung “Kinh nghiệm tổ chức thẩm tra các văn bản trình kỳ họp HĐND nói chung, thẩm tra các dự thảo Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật nói riêng”.

I. Kết quả thực hiện công tác thẩm tra các văn bản trình kỳ họp HĐND nói chung, thẩm tra các dự thảo Nghị quyết là vản bản quy phạm pháp luật nói riêng của các Ban HĐND tỉnh Hà Nam

1. Ưu điểm

Thực hiện các quy định của pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban HĐND tỉnh Hà Nam đã tổ chức thẩm tra 142 dự thảo Nghị quyết, Tờ trình, báo cáo, đề án của UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình HĐND tỉnh tại các kỳ họp về các lĩnh vực: phát triển kinh tế, ngân sách, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng chính quyền địa phương,… hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Hà Nam trong thời gian qua được thực hiện đảm bảo đúng luật, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, từng lĩnh vực. Báo cáo thẩm tra của các Ban thể hiện rõ ý kiến của Ban về các nội dung: cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tính thống nhất với các Nghị quyết đã ban hành,….,những vấn đề mà Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau, từ đó giúp cho đại biểu HĐND tỉnh có thêm căn cứ để nghiên cứu, thảo luận và quyết định. Chính vì vậy, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh là cơ sở, căn cứ rất quan trọng giúp các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết định đối với những nội dung do UBND tỉnh và các cơ quan trình tại kỳ họp.

Bên cạnh các báo cáo, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thường niên, thời gian qua các Ban HĐND tỉnh Hà Nam còn thẩm tra các Nghị quyết chuyên đề mang tính đặc thù để thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa 12) như: Nghị quyết về sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc trước thời hạn do sáp nhập, tinh giảm biên chế;…; thẩm tra Nghị quyết mang tính định hướng phát triển sản xuất góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy như: Nghị quyết về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Nghị quyết về quy hoạch phát triển Công nghiệp - Thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035…;

Để đảm bảo tính chủ động trong hoạt động thẩm tra của các Ban, căn cứ vào nội dung đề nghị ban hành Nghị quyết của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh sớm phân công nhiệm vụ thẩm tra cho từng Ban để các Ban chủ động tiếp cận nội dung ngay từ đầu, khi UBND tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp cũng đã chủ động mời lãnh đạo các Ban cùng tham dự hội nghị để cùng thống nhất và nắm bắt kịp thời đầy đủ nội dung, những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại và các biện pháp để khắc phục, hoàn chỉnh. Do đó, khi Tờ trình và dự thảo Nghị quyết được chuyển tới các Ban HĐND để thực hiện thẩm tra rất thuận lợi.

Ngoài ra, để có thêm thông tin, trong quá trình thẩm tra bên cạnh việc giành thời gian nghiên cứu tài liệu các Ban HĐND tỉnh đã tăng cường khảo sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị có liên quan để tham khảo ý kiến, nắm bắt tình hình, từ đó có nhận định chính xác, khách quan, phân tích đầy đủ cơ sở thực tiễn cũng như các tồn tại, bất cập; qua đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất phù hợp, chính xác để UBND tỉnh có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt, đối với các Nghị quyết không đủ cơ sở pháp lý, có nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, còn nhiều ý kiến trái chiều từ cử tri, trong quá trình thẩm tra các Ban HĐND tỉnh Hà Nam cũng đã mạnh dạn đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và không trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp (như: Nghị quyết về việc quy định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về phòng chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050;…).

 2. Tồn tại, hạn chế

Trong quá trình thực hiện thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh Hà Nam gặp một số tồn tại hạn chế và khó khăn như sau:

Một số dự thảo Nghị quyết, báo cáo, Tờ trình chính thức của UBND tỉnh gửi về Thường trực HĐND tỉnh còn chậm so với yêu cầu, do đó ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng của báo cáo thẩm tra gửi các đại biểu theo quy định.

Một số cơ quan, đơn vị được UBND giao soạn thảo đề án, báo cáo, Tờ trình, dự thảo Nghị quyết chưa chủ động phối hợp với các Ban HĐND ngày từ đầu xây dựng dự thảo; Do đó khi thẩm tra, có nội dung các ban đề nghị xem xét tiếp tục hoàn chỉnh để trình kỳ họp thì thời gian còn rất ít, cho nên việc hoàn chỉnh văn bản để gửi các Đại biểu Hội đồng còn chậm, chất lượng văn bản còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thành viên của các Ban chủ yếu hoạt động kiêm nghiệm, mỗi thành viên có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định. Trong khi đó, lĩnh vực hoạt động của Ban khá rộng, do đó chất lượng các báo cáo thẩm tra cũng còn một số nội dung chưa sâu, tính phản biện chưa đủ sức thuyết phục với các đại biêu.

Số lượng chuyên viên được phân công giúp việc cho các Ban còn ít. Mỗi Ban mới chỉ đáp ứng được 01 chuyên viên giúp việc, trong khi lĩnh vực hoạt động của Ban khá rộng cũng là một khó khăn cho hoạt động của Ban.

Việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra có nội dung còn thụ động, chưa tổ chức được nhiều hoạt động khảo sát; nội dung tính phản biện chưa cao, một số kiến nghị còn chung chung…

II. Một số kinh nghiệm về hoạt động thẩm tra các văn bản trình kỳ họp HĐND nói chung, thẩm tra các dự thảo Nghị quyết là vản bản quy phạm pháp luật nói riêng  của các ban HĐND tỉnh Hà Nam

Để báo cáo thẩm tra của các Ban có chất lượng, hiệu quả. Qua thực tiễn hoạt động và kết quả đã đạt được, tại Hội nghị này chúng tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm sau:

1. Công tác chuẩn bị các báo cáo, đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh phải đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, đúng quy trình ban hành văn bản pháp luật theo quy định. Nội dung Nghị quyết trình HĐND phải đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn tại địa phương; các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh phải chủ động phối hợp với các Ban HĐND tỉnh ngày từ giai đoạn soạn thảo văn bản và chuẩn bị các nội dung trình HĐND tại kỳ họp.

2. Các ban HĐND cần được cung cấp thông tin đầy đủ: Các cuộc họp do UBND tổ chức thảo luận lấy ý kiến và thông qua các dự thảo báo cáo, đề án…thì lãnh đạo các Ban theo lĩnh vực có liên quan cần được tham dự trực tiếp để nắm bắt thông tin, tiếp cận nội dung cần trình tại kỳ họp. Bên cạnh đó, báo cáo kết luận các hội nghị của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND cần được gửi tới các Ban để kịp thời nắm bắt quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của các Ban về các nội dung có liên quan.

3. Nhân tố chủ quan quyết định chất lượng công tác thẩm tra chính là thành viên các Ban HĐND. Năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của các thành viên là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Vì vậy từng thành viên Đoàn thẩm tra phải chủ động nghiên cứu kỹ văn bản, tài liệu, thu thập các thông tin cần thiết và bố trí thời gian tham gia đầy đủ các buổi thẩm tra. Tại buổi thẩm tra, các đại biểu tập trung tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, không đi lan man các nội dung.

4. Trong quá trình thẩm tra, ngoài giành thời gian nghiên cứu tài liệu, các Ban HĐND cần tăng cường khảo sát thực tế tại cơ sở để có nhận định khách quan; phân tích, đánh giá sự phù hợp của Nghị quyết với thực trạng của các địa phương; đối chiếu nội dung Nghị quyết có phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đối với các đề án, dự thảo Nghị quyết mà nội dung chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương thì các Ban HĐND phải có ý kiến phản biện, kiến nghị với HĐND không thông qua để đảm bảo hiệu lực của các văn bản pháp luật và tính hiệu quả của Nghị quyết khi được ban hành.

5. Nội dung báo cáo thẩm tra của các Ban phải đánh giá toàn diện, mang tính bao quát; thể hiện rõ chính kiến với những nhận định, phân tích có căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn; Đặc biệt, cần nêu những vấn đề, những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất để các Đại biểu hội đồng tập trung thảo luận, xem xét, quyết nghị.

6. Tham khảo thêm việc ban hành nghị quyết về nội dung trình ở các địa phương khác, nhất là các địa phương ở lân cận, xung quanh có cùng điều kiện kinh tế - xã hội để tham khảo và có ý kiến để Hội đồng xem xét quyết định cho phù hợp như: các nội dung liên quan đến giá đất ở, giá đất nông nghiệp, các cơ chế chính sách liên quan đến con người, thu hút đầu tư vv…

7. Đổi mới phương pháp thẩm tra các tờ trình, báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Theo đó, có nội dung chỉ cần thẩm tra qua dự thảo báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh; nhưng cũng có nội dung phải thẩm tra tới các cơ quan, đơn vị là đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị quyết. Có như vậy mới đảm bảo cho nghị quyết được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.

8. Tuân thủ sự chỉ đạo, điều hòa của Thường trực HĐND trong việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; đảm bảo tất cả các nội dung đều được các ban của Hội đồng thẩm tra theo quy định. Bên cạnh đó, luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban của Hội đồng khi thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp. 

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng thẩm tra,Thường trực HĐND cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng thẩm tra cho thành viên các Ban HĐND, tạo điều kiện cho các Ban tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố. Đối với Văn phòng HĐND cần phối hợp tốt với văn phòng UBND đôn đốc các cơ quan soạn thảo gửi báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết về Thường trực HĐND đúng thời gian quy định, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thẩm tra của các Ban theo quy định.


                                                                                                (Các Ban HĐND tỉnh Hà
 Nam)
 
Các tin mới hơn
Quảng Ninh: Hỗ trợ 100% học phí mầm non, phổ thông năm học 2021-2022 (28/08/2021)
Hà Nội: Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai (17/08/2021)
5 bài học kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ (04/08/2021)
Bí thư Đà Nẵng: 'Hy sinh lợi ích kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh' (03/08/2021)
Nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý và đại biểu HĐND các cấp (05/08/2020)
Các bài liên quan
Hưng Yên: "Vai trò, trách nhiệm của Ban trong việc thẩm tra các văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh đối với các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp" (08/04/2019)
Ninh Bình: "Vai trò tham mưu của các Ban trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND" (08/04/2019)
Thành phố Hà Nội: "Vai trò tham mưu của các Ban trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND" (08/04/2019)
Công tác phối hợp hoạt động của Đoàn ĐBQH với HĐND tỉnh Hải Dương (08/04/2019)
Vĩnh Phúc: "Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật hiện hành về HĐND và những kiến nghị, đề xuất sửa đổi luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015" (08/04/2019)
 
Quay lạiXem tiếp