Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ Sáu - nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh Hải Dương với chủ đề “Kinh nghiệm đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh và các kiến nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Được Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh phân công thay mặt các Ban HĐND tỉnh tham luận về: “Vai trò, trách nhiệm của Ban trong tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh”, qua thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi xin được trình bày một số vấn đề để Hội nghị chúng ta cùng trao đổi: I. Những quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Điều 62 quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND có ghi: Căn cứ chương trình giám sát, HĐND ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Thường trực HĐND. Về thành phần Đoàn giám sát, Luật quy định do Chủ tịch HĐND hoặc Phó Chủ tịch HĐND làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND và một số đại biểu HĐND. Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia Đoàn giám sát. Về quy trình giám sát của HĐND, Điều 58 quy định: Chương trình giám sát của HĐND năm sau được quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước đó. Là thành viên trong Đoàn giám sát của HĐND, Ban có nhiệm vụ cùng Ban Thường trực Ủy ban MTQVN cùng cấp và đại biểu HĐND đề xuất chương trình giám sát với Thường trực HĐND, trong đó nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi và đối tượng giám sát trước ngày 01/3 của năm trước. Qua đó, Văn phòng HĐND có trách nhiệm tổng hợp đề nghị, kiến nghị giám sát và báo cáo Thường trực HĐND. Thường trực HĐND thảo luận và lập dự kiến chương trình giám sát của HĐND (trước ngày khai mạc kỳ họp giữa năm 10 ngày). Tại kỳ họp thường lệ giữa năm, HĐND quyết định chương trình giám sát của HĐND trong năm sau, trong đó có giám sát chuyên đề. Sau khi HĐND thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND trình HĐND quyết định ban hành nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề. II. Vai trò, trách nhiệm của Ban trong tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh: Trên cở sở chương trình giám sát được thông qua, Thường trực HĐND tỉnh triển khai các nội dung liên quan, tùy nội dung thuộc lĩnh vực nào mà Thường trực HĐND giao cho Ban lĩnh vực đó tham mưu, đề xuất thành lập đoàn giám sát và địa điểm giám sát. Trước mỗi đợt giám sát, Thường trực HĐND có thể giao Ban chủ trì, phối hợp cùng các Ban tiến hành khảo sát trước, lãnh đạo chuyên trách Ban là tổ trưởng, tiến hành khảo sát các nội dung theo yêu cầu trên cơ sở quyết định của Thường trực HĐND. Về công tác chuẩn bị trước khi khảo sát, Ban phải xác định được mục đích, yêu cầu, đối tượng, phạm vi khảo sát, đồng thời xây dựng kế hoạch, đề cương, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan, yêu cầu các đơn vị khảo sát gửi báo cáo, họp Tổ khảo sát để phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn. Tiếp theo, tiến hành khảo sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó mới tiến hành làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh; do đó đã có nhiều vấn đề khảo sát được phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn. Trong quá trình khảo sát, mời các ngành chức năng tham gia và cuối đợt có báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát tới Thường trực HĐND tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của các tổ khảo sát, Đoàn giám sát họp thống nhất nội dung, chương trình, địa điểm và các bước tiến hành trước khi giám sát tại đơn vị. Năm 2018, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã giám sát 02 chuyên đề, đó là: Về thực hiện chính sách, pháp luật đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, người nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2016 và 2017 và tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Kết thúc đợt giám sát, Ban tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh ban hành kết luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, kiến nghị giải quyết khắc phục, được UBND tỉnh tiếp thu, có văn bản chỉ đạo đơn vị được giám sát và các đơn vị liên quan giải quyết các kiến nghị qua giám sát chuyên đề của HĐND. Kết quả của cuộc giám sát là cơ sở quan trọng để các kỳ họp tiếp theo, HĐND tỉnh thảo luận, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, từ đó ban hành các nghị quyết điều chỉnh kịp thời (đối với việc hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, người nghèo mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng/hộ được nâng lên 60 triệu đồng/hộ; đối với các dự án đầu tư công trung hạn đã điều chỉnh bỏ không thực hiện một số dự án BT không khả thi, bổ sung một số dự án mang tính khả thi cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh). Có thể nói, hiệu quả, chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bắc Ninh ngày càng được nâng lên, trong đó có một phần đóng góp của các Ban HĐND, giúp cho UBND thấy rõ tình hình, kết quả thực hiện chính sách, luật pháp và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm; các cơ quan, đơn vị thấy được ưu điểm, kết quả và nhất là những tồn tại, hạn chế từ đó có biện pháp khắc phục, cùng với các cấp, các ngành hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. IV. Một số bài học kinh nghiệm và giải pháp trong thực hiện giám sát chuyên đề: Qua việc triển khai giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh Bắc Ninh rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp sau: 1. Về bài học kinh nghiệm: Một là, muốn giám sát chuyên đề đạt chất lượng, trước hết phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cho cuộc giám sát. Cần lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo cụ thể, rõ ràng, giới hạn mốc thời gian. Hai là, xem xét kỹ báo cáo để phát hiện những hạn chế, bất cập hoặc mâu thuẫn trong báo cáo; cần thiết phải thu thập nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để tiến hành giám sát, không lệ thuộc vào báo cáo giám sát. Ba là, quyết định thời điểm giám sát phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương được giám sát, tránh giám sát vào những thời điểm cấp ủy, chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện những công việc cấp bách. 2. Về một số giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề: Thứ nhất, trên cơ sở quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh, các Ban lựa chọn đề xuất nội dung để Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, điều hòa quyết định giám sát chuyên đề, tránh chồng chéo trong giám sát. Thứ hai, các thành viên trong Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, tài liệu liên quan, ý kiến cử tri, thông tin qua báo chí và dư luận xã hội. Từ đó, đối chiếu các quy định của pháp luật, chức năng nhiệm vụ của đơn vị để có nhận định đánh giá đối với từng đơn vị được giám sát và để kiểm tra, thẩm định nội dung mà từng đơn vị đã báo cáo. Thứ ba, kết thúc giám sát, Ban tham gia tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND, các kiến nghị sau giám sát cụ thể, có trọng tâm, đúng thẩm quyền và khả thi. Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động giám sát, đồng thời, đưa các kết quả giám sát lên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. Thứ năm, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình giám sát. V. Kiến nghị đề xuất: Để giám sát có hiệu lực, những kiến nghị của Đoàn giám sát phải được thể hiện thành chế tài, yêu cầu có tính bắt buộc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung nội dung này khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Ban VH-XH HĐND tỉnh Bắc Ninh)
|