Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND thành phố Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thông qua việc ban hành các Nghị quyết để quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và giám sát việc thi hành pháp luật, nghị quyết của HĐND thành phố. Để thực hiện có hiệu quả các chức năng, HĐND thành phố đã phát huy vai trò điều hành linh hoạt, chủ động của Thường trực HĐND thành phố, tập trung trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu HĐND thành phố, các Tổ đại biểu HĐND thành phố, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các Ban HĐND thành phố. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND thành phố Hải Phòng có 04 Ban gồm: Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị với 34 thành viên, trong đó 02 Trưởng ban kiêm nhiệm là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 02 Trưởng ban chuyên trách là Ủy viên Thành ủy, 07 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách và 23 đại biểu HĐND thành phố là Ủy viên của các Ban HĐND thành phố. Lãnh đạo các Ban HĐND thành phố Hải Phòng đều là những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động từ cơ sở, đã từng công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị, giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, có kiến thức chuyên sâu ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với nhiều đổi mới trong hoạt động công tác, các Ban HĐND thành phố Hải Phòng đã chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị tốt các nội dung của kỳ họp HĐND thành phố, thẩm tra 118 đề án, dự thảo nghị quyết; tiến hành giám sát, khảo sát: 179 cuộc; triển khai thực hiện 05 chuyên đề giám sát của các Ban; giúp HĐND thành phố hoàn thành 05 Kế hoạch giám sát chuyên đề; tổ chức 04 đợt đi trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều hoạt động khảo sát, thẩm tra khác phục vụ kỳ họp HĐND thành phố. Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND thành phố đã giúp kỳ họp HĐND thành phố đạt chất lượng, hiệu quả cao, quyết định đúng, trúng nhiều vấn đề hệ trọng của thành phố; kết quả giám sát của các Ban HĐND thành phố đã góp phần giải quyết một số vướng mắc, khó khăn nhiều vấn đề, tạo ra sự chuyển biến tích cực ở nhiều lĩnh vực mà Ban đã giám sát, có sức lan tỏa tốt về kết quả, vai trò giám sát của các Ban HĐND thành phố, được cử tri và nhân dân thành phố ghi nhận, đánh giá cao... Thưa Hội nghị! Để có được những kết quả đó, các Ban của HĐND thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp có tính đổi mới, linh hoạt, phù hợp với đặc thù thành phố Hải Phòng. Một là: Thực hiện nghiêm túc sự điều hòa, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của Thường trực HĐND thành phố. Hoạt động thẩm tra của các Ban có sự linh hoạt hơn, không chỉ bó gọn trong lĩnh vực mà các Ban được giao phụ trách. Tùy thuộc vào nội dung, số lượng các vấn đề sẽ được trình tại kỳ họp mà Thường trực HĐND thành phố phân công rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các Ban nhằm huy động tối đa trí tuệ tập thể của các Ban HĐND thành phố, giúp nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, góp phần vào thành công chung của các kỳ họp HĐND thành phố Hải Phòng. Hai là: Chủ động khảo sát, giám sát các nội dung trình tại các kỳ họp, gắn hoạt động giám sát kết hợp với việc kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ kỳ họp, nhất là đối với các nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả giám sát, khảo sát đã cung cấp các số liệu minh chứng, sát thực tế, phản biện được nhiều vấn đề "gai góc", giúp các đại biểu HĐND thành phố thảo luận, biểu quyết tại hội trường. Ba là: Chú trọng giám sát các nội dung, vụ việc cụ thể, làm sáng tỏ, giải quyết đến cùng vụ việc hay vấn đề được giám sát, từ đó lan tỏa sang các địa phương, đơn vị, lĩnh vực khác; trường hợp cần thiết sẽ chuyển thành giám sát chuyên đề của các Ban. Một số hoạt động giám sát tiêu biểu của các Ban đã được cử tri và nhân dân thành phố đánh giá cao như: Ban Pháp chế HĐND thành phố đã giám sát, giải quyết triệt để đơn thư của công dân đã tồn đọng kéo dài từ gần 20 năm trước; Ban Văn hóa - Xã hội đã giám sát việc giải quyết các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố từ việc giám sát đến cùng việc giải quyết 01 đơn thư kiến nghị của công dân, đến xem xét, nghiên cứu cụ thể một số hồ sơ, mở rộng phạm vi, đối tượng giám sát để từ đó chỉ ra những mâu thuẫn, bất cập, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình; Ban Đô thị HĐND thành phố đã giám sát, giải quyết tình trạng úng ngập kéo dài khi trời mưa tại một số ngõ phố theo đơn kiến nghị của công dân; Ban Kinh tế - Ngân sách tiến hành khảo sát thực tế nhiều địa điểm, doanh nghiệp để giúp Thường trực HĐND thành phố ban hành các quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND thành phố. Bốn là: Ban hành sớm và thực hiện nghiêm túc các Chương trình kế hoạch công tác năm, tháng, quý, 6 tháng của Ban. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của Thường trực HĐND thành phố, ngay từ tháng đầu tiên của năm, các Ban HĐND thành phố đã ban hành Chương trình giám sát cho cả năm; đồng thời, chú trọng phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt trong hoạt giám sát. Đặc biệt, giữa các Ban HĐND thành phố Hải Phòng đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau; thường xuyên trao đổi thông tin, hoạt động phối hợp giám sát giữa các Ban HĐND thành phố với các Ban của Thành ủy, với Thường trực, các Tổ đại biểu HĐND thành phố, với Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và không để xảy ra tình trạng trùng lặp về thời gian, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát Năm là: Các Ban HĐND thành phố Hải Phòng đã kết hợp có hiệu quả giữa phương thức giám sát với khảo sát, giữa các hình thức giám sát như: thông qua giám sát trực tiếp, qua báo cáo, qua dự hội nghị tổng kết, qua tiếp xúc cử tri, qua tiếp công dân của đại biểu HĐND thành phố…; chú trọng "tái giám sát", giám sát theo chuyên đề, phát huy tốt vai trò của các thành viên các Ban để hoạt động giám sát của HĐND vừa bao quát, vừa chuyên sâu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của các Ban. Sáu là: Thường xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng HĐND thành phố trong công tác tham mưu, phục vụ, giúp việc cho các Ban HĐND thành phố. Chuyên viên Văn phòng luôn chủ động làm tốt nhiệm vụ tham mưu đề xuất cho các Ban, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chuyên viên các Văn phòng bạn để tiếp nhận, tổng hợp thông tin từ đó kịp thời đề xuất, tham mưu với lãnh đạo các Ban xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể trong từng tuần, từng tháng; đồng thời làm tốt việc thu thập tài liệu, các văn bản pháp luật mới liên quan, cần thiết để phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động giám sát, thẩm tra của các Ban HĐND thành phố. Bảy là, Tăng cường hoạt động đối ngoại (thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các Ban của HĐND một số tỉnh, thành phố trên cả nước...) Kính thưa toàn thể Hội nghị! Để phát huy hơn nữa vai trò của HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố, góp phần xây dựng Nhà nước ta trở thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; từ thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố Hải Phòng, xin kiến nghị một số nội dung nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 như sau: Thứ nhất: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 phải đảm bảo quy định rõ ràng hơn về cơ cấu, tổ chức các cơ quan của HĐND các cấp; cần quy định rõ hơn nhiệm vụ của “Kỳ họp HĐND" và "Thường trực HĐND". Thứ hai: Về số lượng đại biểu HĐND ở các cấp: Đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp nhưng không giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, nhất là đối với cấp tỉnh. Thứ ba: Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi cần bổ sung rõ chế tài cụ thể, rõ ràng đối với UBND và các cơ quan, đơn vị, địa phương khi không chấp hành đúng nghị quyết của HĐND, không thực hiện đủ kiến nghị qua giám sát của các Ban HĐND, không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, các đơn thư của công dân do đại biểu HĐND trực tiếp giám sát và phản ánh. Hiện nay Luật mới chỉ dừng lại ở mức quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải báo cáo, giải trình khi HĐND, Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND có yêu cầu; và chỉ tiếp tục kiến nghị xử lý “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý". Quy định này chưa thể hiện rõ được vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thứ tư: Luật cần bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND, Trưởng các Ban HĐND trong việc đánh giá, nhận xét về kết quả hoạt động của các đại biểu HĐND, nhất là Ủy viên của các Ban HĐND, nhằm tăng cường trách nhiệm của đại biểu HĐND và thành viên của các Ban HĐND. Bởi lẽ trên thực tế, một số ủy viên các Ban HĐND thành phố chưa bố trí thời gian để tham gia các hoạt động của các Ban làm ảnh hưởng chung đến hoạt động của các Ban HĐND thành phố. Thứ năm: Cần sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện phục vụ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các Ban HĐND để tương xứng với vị thế của các Ban HĐND. Bởi lẽ hiện nay, hoạt động của các Ban HĐND cấp tỉnh đang sử dụng chung nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, nhân sự và các hoạt động khác cùng với Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Có thể khẳng định rằng, hiệu quả hoạt động của các Ban HĐND đã góp phần rất quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với kết quả các kỳ họp HĐND nói riêng và hoạt động của HĐND nói chung. Do đó, việc tạo một hành lang pháp lý thuận lợi là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của các Ban HĐND. Trong khuôn khổ Hội nghị hôm nay, đại diện các Ban HĐND thành phố Hải Phòng xin được chia sẻ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban HĐND và đề xuất một số kiến nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
(Các Ban HĐND thành phố Hải Phòng) |