Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành năm 2007 góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 9 chương, 80 điều, tăng 34 điều so với luật hiện hành, quy định các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, các cơ chế phối hợp và các điều kiện đảm bảo thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác này. Dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều quy định khá cụ thể, chi tiết về các quyền của người bị bạo lực gia đình, các loại hình hòa giải; biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình... Các điều khoản này mang tính nhân văn cao nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, các quyền, lợi ích của người bị bạo lực gia đình; đồng thời huy động một lực lượng lớn các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và công an tham gia vào những hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, các sửa đổi lần này quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nhất là trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã. Quy định này sẽ giúp người đứng đầu chính quyền địa phương buộc phải quan tâm, có trách nhiệm và trực tiếp đứng ra chỉ đạo giải quyết các tình huống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý. Dự thảo cũng đã quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát người có hành vi bạo lực gia đình thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã. Cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ. Các quy định về cai nghiện rượu bắt buộc; biện pháp hòa giải trước, trong và sau khi hòa giải; xét xử công khai; xử lý người dung túng, bao che... cũng là những điểm mới của dự thảo luật. Những quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn về công tác phòng chống bạo lực gia đình trong giai đoạn tới. 
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong viêc ngăn chặn bạo lực gia đình (ảnh minh hoạ: interet) Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có đảm bảo tính bao quát, giúp giải quyết những vướng mắc hiện nay trong công tác phòng chống bạo lực gia đình? PV VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Mai Thoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. PV: Bà nhận định như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình? Bà Nguyễn Thị Mai Thoa: Hiện nay bạo lực gia đình rất đáng lo ngại, ở một số địa phương vẫn thường xảy ra các vụ bạo lực gia đình khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tâm thần cho phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái. Đây là những đối tượng thuộc nhóm yếu thế, thậm chí có một số nơi còn xảy ra án mạng. Nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình có rất nhiều, một phần do quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình còn có những bất cập; nguyên nhân khác về nhận thức, về tổ chức thực hiện pháp luật... đây là những nguyên nhân rất quan trọng cần phải giải quyết, phải được cụ thể hóa trong quy định của pháp luật. PV: Vậy những sửa đổi bổ sung trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đảm bảo tính khả thi, bao quát nhằm phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình hiện nay? Bà Nguyễn Thị Mai Thoa: Hiện nay dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã đề xuất một số biện pháp nhưng tôi cho rằng cần phải nhấn mạnh hơn nữa những quy định về công tác báo tin, trách nhiệm xác minh, phân loại, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị người gây ra bạo lực gia đình phải đến trụ sở công an cấp xã giải trình, buộc chấm dứt hành vi bạo lực và quy định thêm về các nguyên tắc thực hiện trong thời gian cấm tiếp xúc, đảm bảo an toàn và thực hiện các quy định về tư vấn pháp lý, tâm lý cho người bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục. Đặc biệt cần có những quy định bảo vệ người bị bạo lực gia đình trong quá trình xét xử tại tòa án; bảo vệ trực tiếp người tham gia phòng chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác các vụ việc, hành vi bạo lực gia đình. Về các biện pháp phòng ngừa, hiện nay dự thảo luật cũng đã bổ sung một số quy định, tuy nhiên cần quy định về lực lượng nhân viên công tác xã hội một cách chuyên nghiệp và sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt để phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em dự thảo luật cũng đã quy định các biện pháp bảo vệ ở cả cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ xâm hại, kỹ năng phòng tránh bản thân và tăng cường thông tin tuyên truyền trên môi trường mạng. Đây là những nội dung cần được cụ thể hóa trong quy định của Luật. PV: Xin cảm ơn bà! 
Bạo lực gia đình vẫn đang là nỗi nhức nhối trong xã hội Bạo lực phụ nữ, trẻ em trong gia đình vẫn đang tiếp tục là vấn đề xã hội nhức nhối, nhất là trong bối cảnh cảnh thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt dịch bệnh covid 19 càng khiến cho tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ. Ước tính có gần 71% trẻ em từ 1-14 tuổi bị ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể chất bởi một thành viên trong gia đình; gần 88% phụ nữ từng bị bạo lực tâm lý, gần 81% phụ nữ chịu hành vi kiểm soát và 59% phụ nữ đã từng bị bạo lực thể chất, 25% tiết lộ từng bị bạo lực tình dục. Để giải quyết vấn nạn bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em đề xuất: 'Phòng chống bạo lực trẻ em bây giờ phải đưa vào luật, phải phân tích những nhóm nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân cần có các giải pháp can thiệp. Nguyên nhân cội rễ là sự thất nghiệp và nghèo đói đối với người dân hoặc di cư, đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ nguy cơ rất cao bị bạo lực và bị xâm hại. Vậy giải pháp trong luật là việc xóa đói giảm nghèo và vấn đề việc làm thế nào? Nhóm nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân gián tiếp, đó là các vấn đề về phim ảnh, văn hóa đồi trụy, các game tình dục, các chất kích thích...vấn đề quản lý của nhà nước phải thế nào? Nguyên nhân trực tiếp bùng phát bạo lực là do COVID, do bị cấm túc thì nhóm giải pháp lại khác. Vì nó rất quan trọng nên phải quy định rất sâu sắc và đầy đủ trong luật. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần đặc biệt lưu ý những vấn đề nào để phòng chống bạo lực gia đình? PV VOV Giao thông phỏng bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. PV: Trong đại dịch COVID-19, những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần tăng lên cả về tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Theo bà, cần có quy định cụ thể ra sao để phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em và phụ nữ? Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Trong đại dịch COVID-19 phụ nữ và trẻ em chịu bi kịch kép, vừa chịu ảnh hưởng của covid vừa chịu ảnh hưởng lớn hơn của bạo lực gia đình. Bởi vậy chúng ta cần hết sức trú trọng, những quy định về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em và phụ nữ, cần phải có sự thống nhất cao và đưa công tác phòng ngừa lên hàng đầu. Bởi vì công tác phòng ngừa nếu chúng ta làm tốt thì những vụ việc bạo lực gia đình, đặc biệt là những vụ việc hiếp dâm và xâm hại tình dục trẻ em mới giảm đi đáng kể. Thứ hai hệ lụy của việc này nó tác động rất xấu đến tâm lý và đạo đức. Vì vậy, theo tôi bên cạnh việc chúng ta phải có chế tài xử phạt nghiêm minh thì rất cần đặt công tác phòng chống lên hàng đầu, càng phòng chống tốt càng giảm thiểu được nguy cơ. PV: Theo bà những nhóm vấn đề nào cần đặc biệt lưu ý sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình? Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi những nhóm vấn đề cần hết sức lưu ý, nghiên cứu, rà soát để sửa đổi bổ sung, đó là những khái niệm, biểu hiện, tính chất, mức độ, hành vi của bạo lực gia đình cần phải quy định thực sự rõ ràng trong luật. Bởi luật hiện hành có những hành vi bạo lực gia đình mà cả người gây bạo lực và nạn nhân đều không nghĩ đấy là bạo lực. Người ta chỉ nghĩ rằng có đánh người trong gia đình gây thương tích nặng thì mới là bạo lực; còn hành vi bạo lực về tinh thần họ không nghĩ đó là bạo lực gia đình, bởi nó cũng không gây một thương tích cụ thể nào lên cơ thể của người chịu bạo lực. Cho nên tôi nghĩ rằng cần phải quy định rất rõ ràng để có nhận thức thực sự đúng đắn thì chúng ta mới đi đến hành động đúng. Nếu chúng ta vẫn còn lơ mơ về các hành vi bạo lực gia đình thì bạo lực gia đình vẫn tiếp tục xảy ra và chúng ta chưa có biện pháp phòng ngừa chính đán. Thứ hai, tôi nghĩ cần có quy định cụ thể mang tính tiêu chí đối với đội ngũ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình, nhất là ở cơ sở; những quy định cứng về trình độ, năng lực, kĩ năng, về phẩm chất đạo đức và thậm chí về chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, ở nhiều địa phương việc bố trí người làm công tác bạo lực gia đình chưa phù hợp và vì chưa phù hợp nên hiệu quả chưa cao. Tôi đề nghị tiếp tục có nghiên cứu để quy định rõ điều này trong luật. PV: Xin cảm ơn bà! 
-- Sau hơn 13 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực gia đình từng bước bị lên án và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Vì vậy, việc sửa đổi luật này là vô cùng cấp thiết, nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người. Nguồn VOV Giao thông |