LIÊN KẾT WEBSITE
 
 

Hoạt động tại các kỳ họp
Quy định rõ căn cứ loại bỏ, bổ sung mặt hàng bình ổn giá
Cập nhật: 11/11/2022 09:02:46 PM
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị quy định rõ căn cứ loại bỏ hoặc bổ sung các mặt hàng bình ổn giá để bảo đảm tính ổn định, tác dụng điều chỉnh lâu dài của dự thảo luật.
 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 11.11 về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều để giải quyết thấu đáo vướng mắc thực tiễn khi sửa đổi Luật Giá.

Đối với chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu cho biết báo cáo của Ban soạn thảo chỉ nêu Luật Giá (sửa đổi) sẽ quy định thống nhất danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể mà chưa làm rõ căn cứ xác định hàng hóa do Nhà nước định giá và dự thảo danh mục đi kèm để đại biểu Quốc hội có căn cứ biểu quyết thông qua luật.

Về thẩm quyền quyết định và danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo luật hiện có 13/72 điều giao Chính phủ quy định mặc dù nhiều nội dung quan trọng cần phải được thể hiện ngay trong luật. Cụ thể, khoản 2 điều 19 về thẩm quyền ban hành, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chưa phù hợp thẩm quyền, có thể phát sinh vướng mắc trong thực hiện, không bảo đảm yêu cầu “pháp điển hóa”. Nhấn mạnh thêm tại khoản 2, điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Trong khi đó, giá tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được công khai, minh bạch, quy định rõ trong luật để tránh tùy tiện trong mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các mặt hàng bình ổn giá. Đại biểu đồng tình giữ nguyên như quy định hiện hành vì Luật Giá hiện hành đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục mặt hàng bình ổn giá thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo đã bổ sung thức ăn chăn nuôi và một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm cả kit xét nghiệm Covid-19) tại dự thảo nghị định kèm theo.

"Với những lý do nêu trên, tôi cho rằng cần quy định rõ căn cứ loại bỏ hoặc bổ sung các mặt hàng bình ổn giá. Để bảo đảm tính ổn định, tác dụng điều chỉnh lâu dài của dự thảo luật, việc quy định cụ thể kit xét nghiệm Covid-19 là chưa phù hợp và không có tính phòng ngừa trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp, nhiều loại dịch bệnh, virus lạ xuất hiện", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đại biểu đề nghị cân nhắc việc bổ sung danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo đại biểu, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể và phát triển trên nền tảng có sẵn của các cơ quan liên quan. Việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về giá khi chưa có nền tảng sẵn có cần được nghiên cứu thấu đáo.

Liên quan đến kết quả thẩm định giá được quy định tại khoản 1 điều 64 dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc bắt buộc khi xây dựng kết quả thẩm định giá và quy định cụ thể việc công khai kết quả. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng chỉ ra khoản 2 điều này có đề cập việc kết quả thẩm định giá phải được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về giá trừ trường hợp tài sản thuộc danh mục tài sản bí mật Nhà nước nhưng chưa nêu rõ thời điểm phải cập nhật.

Nguồn Báo điện tử Hải Dương

 
Các tin mới hơn
Cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu với nữ sĩ quan, hạ sĩ quan (27/05/2023)
Kinh phí một cuộc giám sát chỉ có 100.000 đồng, ĐBQH kiến nghị tăng thêm (27/05/2023)
Thiếu giáo viên vì chính sách đã có nhưng khó đi vào cuộc sống (27/05/2023)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương hiến kế phát triển nền kinh tế (26/05/2023)
Thời hạn giải ngân vốn vay lại năm 2022 đến ngày 31.1 khó khả thi (09/01/2023)
Các bài liên quan
Nhiều mâu thuẫn trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (11/11/2022)
Tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan, dàn trải với các tổ chức kinh tế hợp tác (11/11/2022)
Nhức nhối tội phạm dâm ô trẻ em, hủy hoại rừng (09/11/2022)
Đặt cọc cao để tránh thông thầu (07/11/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội (05/11/2022)
 
Quay lạiXem tiếp