Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tăng cường nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Về chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2021/QH15 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó, nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình quy định: “Ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, các xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững”. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 (dự kiến trong tháng 12/2021 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt sau khi Quyết định đầu tư Chương trình được phê duyệt), trong đó, dự kiến quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.” Về tăng cường nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung Trong những năm qua, nhằm hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ được xác định là giải pháp quan trọng và then chốt, cụ thể như sau: Thứ nhất, củng cố bộ máy, cơ quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng, triển khai chính sách và thực hiện các hoạt động về phát triển thị trường nông sản; thành lập Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản giúp Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về phát triển thị trường nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Thứ hai, xây dựng, triển khai chính sách phát triển tổng thể ngành, bao gồm các chính sách về phát triển, mở rộng thị trường nông sản: Một là, đã tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ ở nước ngoài tăng cường rà soát các hàng rào kỹ thuật và thương mại đối với nông sản xuất khẩu; điều hành hoạt động xuất nhập khẩu nông sản một cách linh hoạt và hiệu quả; nắm bắt các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nước ngoài. Hai là, tiếp tục chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Ba là, chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên quan điểm chủ động tận dụng các cơ hội, khai thác lợi thế từ hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam. Thứ ba, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường như: Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Trong đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New Zealand (chanh ta, chanh leo, na, vú sữa, bưởi, măng cụt, vải, dưa hấu, mít),… Đặc biệt, trước những khó khăn về thị trường xuất khẩu năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường mở rộng, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại nông nghiệp theo hình thức trực tuyến, gắn với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn quốc, Asean, Úc, New Zealand, Trung Đông…). Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trên nền tảng số: Hội chợ Agroviet, Làng nghề và các sự kiện kết nối tiêu thụ bằng hình thức trực tuyến, thực tế ảo, áp dụng công nghệ 4.0 trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh nông sản trên các Sàn thương mại điện tử trong nước và ngoài nước như: Sendo, Voso, Tiki, Shoppe, Postmart, Lazada, Alibaba.com, Amazon.com. Các hoạt động này đã hỗ trợ hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân chủ động chuyển đổi, tiếp cận các kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế. Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Hải Dương, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan tăng cường nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ban biên tập tổng hợp |