Cử tri kiến nghị thực hiện có lộ trình giảm dần tỷ trọng chi trả của người bệnh cho việc khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế. Đồng thời, mở rộng danh mục thuốc chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả để đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế trả lời: Về thực hiện có lộ trình giảm dần tỷ trọng chi trả của người bệnh cho việc khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế Hiện nay, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cơ bản đã được hoàn thiện như: Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tình hình mới… Ở khía cạnh “bao phủ”, cả ba yếu tố bảo đảm sự thành công của chính sách bảo hiểm y tế (gồm tỷ lệ người tham gia, giảm chi tiêu tiền túi của người bệnh và gói quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế) đều đã và đang được thực hiện hóa với nhiều thành tựu tích cực. Chính sách bảo hiểm y tế cũng đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi người dân cho các dịch vụ y tế đã giảm xuống từ 49% năm 2021 còn khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế hiện nay. Con số này vẫn còn ở mức khá cao, nhưng cho thấy xu hướng giảm dần, hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe cho bản thân: Một là, hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế như cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2-3 tháng, tránh cho người bệnh phải đến cơ sở y tế nhiều lần… Hai là, chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế như ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin, và hiện nay là sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ba là, vận động, chuyển đổi các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với thực tế, trong bối cảnh khó khăn kéo dài từ năm 2020 đến nay, khiến số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao, rất nhiều người lao động đang tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị mất việc làm, tạm dừng hoạt đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Bốn là, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh/thành phố trong việc điều trị nội trú, tránh tình trạng cơ sở y tế cố tình “đẩy” bệnh nhân vào điều trị nội trú để tăng nguồn thu… Năm là, khẩn trương hoàn thành Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ có những cách tiếp cận mới, như: hạn chế sự “bao cấp”, tăng trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo hiểm y tế, cũng như kiểm soát chi phí khám chữa bệnh; phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế… Về mở rộng danh mục thuốc chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả để đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế Thứ nhất, hiện nay, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư số 30/2019/TT-BYT ngày 30/10/2019 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền. Về Danh mục thuốc tân dược, so với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2019/TT-BYT bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị; bổ sung dạng dụng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc. Về Danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về Danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện có 229 chế phẩm (tăng 102 chế phẩm) và 349 vị thuốc (tăng 49 vị thuốc) so với Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện có khoa Y học cổ truyền, kể cả Trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuộc thành phần được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phần phù hợp. Trong những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc để điều trị cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Thứ hai, hiện nay, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục; đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế. Ban biên tập tổng hợp |