Hiện nay việc phân cấp cho chính quyền địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư được tăng cường, trong đó phân loại dự án nhóm A-B-C đã được điều chỉnh tăng về mức đầu tư, làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, hạn mức các dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng được quy định từ lâu, chưa điều chỉnh dẫn đến công trình có giá trị lớn không nhiều phải lập thiết kế từ 1 bước thành 2 bước, trình tự và thủ tục đầu tư bị kéo dài; đề nghị tăng cường phân cấp hơn nữa và điều chỉnh quy định yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các dự án cỏ tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng (thiết kế 1 bước) để đẩy nhanh thủ tục lập dự án, trình thẩm định và phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Việc phân cấp cho các địa phương trong nhóm thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư trong lĩnh vực đầu tư công luôn được chú trọng thực hiện và đẩy mạnh trong thời gian qua. Luật Đầu tư công năm 2019 đã có nhiều quy định thay đổi trong công tác quản lý đầu tư công, trong đó chú trọng phân cấp mạnh mẽ, triệt để trong hoạt động quản lý đầu tư công: - Phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án: Phân cấp quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trước đây do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương như: Dự án nhóm A do địa phương quản lý được phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; dự án của tổ chức chính trị - xã hội được phân cấp cho người đứng đầu tổ chức… Bên cạnh đó, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được lồng ghép vào thành một bước trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư và phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện trên cơ sở dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được thông báo. - Phân cấp trong giao và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hằng năm: Bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ tổng số vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được thông báo để phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đủ điều kiện và điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. - Phân cấp trong việc quản lý các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: Phân cấp quản lý triệt để đối với việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, lập kế hoạch đầu tư trung hạn, lập, thẩm định, giao kế hoạch đầu tư hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh tính chủ động, linh hoạt đi kèm với trách nhiệm quản lý trong việc sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời, với tinh thần đổi mới, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư công, thời gian vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất và đã được Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công tại Luật số 03/2022/QH15, theo đó đã đẩy mạnh phân cấp hơn đối với việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đối với kiến nghị về việc tăng cường phân cấp và điều chỉnh quy định yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng (thiết kế 1 bước): Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn không quy định về nội dung này. Ban biên tập tổng hợp |