LIÊN KẾT WEBSITE
 
 

Sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri
Cập nhật: 02/05/2022 04:32:29 PM
 

Cử tri đề nghị có chính sách quan tâm đầu tư, kích cầu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và khuyến khích phát triển. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cơ chế, chính sách đã và đang phát huy hiệu quả trong huy động nguồn lực cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như sau:

1. Thực hiện có chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo Nghị quyết 26/2012/QH13 của Quốc hội; các Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) và các Chương trình mục tiêu (Phát triển kinh tế thủy sản bền vững; Phát triển lâm nghiệp bền vững; Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư); các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, số 89/2015/NĐ-CP và số 17/2018/NĐ-CP về phát triển thủy sản; Quyết định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…). Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; phát triển khu, vùng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo các Quyết định số 1859/QĐ-TTg ngày 17/12/2012, số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018,… Theo đó, nhà đầu tư được ưu đãi sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng, ưu đãi về thuế; hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, hạ tầng.

Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc không có nguồn lực thực hiện; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn những hạn chế, bất cập và thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

2. Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước và xuất khẩu để kích cầu kinh tế, kích thích tiêu dùng hàng nông sản: Nhờ kinh tế đất nước được duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển toàn diện, đã góp phần tăng nhanh thu nhập và sức mua của người dân, trong đó có tiêu dùng hàng nông thủy sản. Đồng thời, để thúc đẩy tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tổ chức lại hệ thống thương mại, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; nâng cao năng lực hệ thống thông tin, dự báo thị trường cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, phát triển mạnh thị trường xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 năm (2016-2020) đạt trên 194 tỷ đồng và năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong những nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

3. Thời gian tới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Trong đó tập trung vào các nội dung sau:

(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nhất là cơ chế chính sách về đất đai, đầu tư, hợp tác công tư, tín dụng, bảo hiểm. Tăng cường huy động nguồn lực phát triển thông qua hợp tác công tư; tạo điều kiện, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư công phục vụ trực tiếp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

(2) Kích cầu đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ mở rộng tiêu dùng. Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông lâm thủy sản. Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh và định hướng kích cầu nông sản theo “Tiêu dùng xanh”; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường để mở cửa thị trường các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng.

Ban biên tập tổng hợp

 
Các tin mới hơn
Bộ Công Thương trả lời cử tri (Nội dung 3) (03/05/2022)
Bộ Công Thương trả lời cử tri (Nội dung 2) (03/05/2022)
Thanh tra Chính phủ trả lời cử tri (03/05/2022)
Bộ Tư pháp trả lời cử tri (03/05/2022)
Tổng Thư ký Quốc hội trả lời cử tri (03/05/2022)
Các bài liên quan
Ủy ban Xã hội trả lời cử tri (02/05/2022)
Bộ Giao thông vận tải trả lời cử tri (02/05/2022)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời cử tri (Nội dung 2) (02/05/2022)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời cử tri (Nội dung 1) (02/05/2022)
Ủy ban Quốc phòng và An ninh trả lời cử tri (02/05/2022)
 
Quay lạiXem tiếp