UBND tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, thuộc thẩm quyền giải quyết. I. Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn 1. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động Hiện nay, UBND tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ HTX (HTX nông nghiệp) nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động, thành viên HTX thông qua công tác bồi dưỡng, tập huấn…: Đề nghị UBND huyện Ninh Giang hằng năm gửi nhu cầu về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh,…để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp còn được hỗ trợ các nội dung liên quan đến việc thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025” và một số các chính sách hỗ trợ lồng ghép khác trong phát triển ngành nông nghiệp… Về chế độ cho người giữ chức vụ quản lý: Theo Luật HTX năm 2012, Hợp tác xã (Hợp tác xã nông nghiệp) là tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân, hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Do vậy, thu nhập của cán bộ quản lý, người lao động và thành viên HTX phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX họ tham gia. 2. Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh quan tâm nghiên cứu giống lúa mới có năng suất cao đưa vào sản xuất Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã lựa chọn đưa vào sản xuất 34 giống lúa mới, trong đó: có 16/34 giống lúa mới đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Nam Sách, gồm các giống: Siêu lúa TL12, AIQ1102 (LTH1.34), Sơn Lâm 2 (LCH37), PC26 (Japonica), LTH31, SHPT3, N25 ngắn ngày, Lúa lai TH6-6, giống lúa chất lượng cao HD11, Gia Lộc 37, Đài thơm 8, ĐH 12, nếp Hương, Bắc Thịnh, Gia Lộc 516 và TBR225 kháng bạc lá. Trong đó, giống lúa Bắc Thịnh đã và đang được nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn huyện kết hợp với áp dụng cấy máy trong năm 2021 - 2022. Trong năm 2022, có 01 giống lúa mới (Gia Lộc 516) và 01 giống lúa chất lượng TBR225 được cải tiến khả năng kháng bạc lá đã được ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn huyện Nam Sách. Các giống lúa mới đưa vào sản xuất đã thể hiện được các đặc tính tốt so với các giống lúa trước đây về chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất cao hơn từ 10-20% cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài các giống lúa mới còn phổ biến đưa vào áp dụng biện pháp cấy máy giảm chi phí về giống, nhân công, thuốc bảo vệ thực vật hướng tới nền sản xuất nông nghiệp xanh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 3. Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh tăng cường nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để nông dân yên tâm sản xuất Nam Sách là huyện có truyền thống phát triển nông nghiệp, với các sản phẩm nông sản thế mạnh như: Cá lồng (khoảng 3.000 tấn), Lợn thịt (sản lượng khoảng 7.300 tấn), Gia cầm (sản lượng khoảng 2.200 tấn), Cà rốt (khoảng 18.000 tấn), Hành (khoảng 25.000 tấn), Dưa hấu (khoảng 12.000 tấn) và nhiều loại rau màu khác.v.v. Trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương (trong đó có Nam Sách) luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Tháng 5/2021, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ (với 31 điểm cầu chính và hàng trăm điểm cầu liên kết) cùng sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Tháng 9/2021, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Nam Sách tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ cá lồng nuôi trên địa bàn huyện Nam Sách. Tại Hội nghị, đã có 06 hộ (đại diện cho trên 100 hộ) nuôi cá lồng ký kết biên bản thoả thuận với 5 đơn vị thu mua, tiêu thụ gồm Công ty CP Kim Chính, siêu thị Cicimart, Cocofood, sàn thương mại điện tử VOSO, Postmart. Các hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua, đã góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh nói chung, trong đó có huyện Nam Sách nói riêng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá trong tỉnh, nhất là sản phẩm nông sản chủ lực của Nam Sách và các địa phương khác; Tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin thị trường; triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nông sản trong tỉnh với các thương nhân của tỉnh bạn, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh.v.v. 4. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí, xi măng làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới nâng cao Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025; trong đó có đề xuất cơ chế hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. II. Lĩnh vực công nghiệp, đầu tư, giao thông, xây dựng 1. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh quan tâm cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 391 đoạn qua địa bàn huyện Về việc nâng cấp Đường tỉnh 391 qua địa bàn huyện Ninh Giang đã nằm trong Chương trình đầu tư nâng cấp mạng lưới đường tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030, tỉnh Hải Dương (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3628/QĐ-UBND ngày 04/12/2020). Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư Dự án trục Đông – Tây, tỉnh Hải Dương giai đoạn 2022 - 2025 (trong đó Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương đang lập Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đoạn từ Đường tỉnh 396 đến Đường tỉnh 391 nối huyện Ninh Giang và huyện Tứ Kỳ và triển khai thi công trong thời gian tới), do đó đoạn Đường tỉnh 391 qua địa bàn huyện Ninh Giang sẽ giảm tải lưu lượng lưu thông nên chưa được đầu tư trong giai đoạn này. Trong quá trình khai thác, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên sửa chữa các hư hỏng kịp thời để đảm bảo ATGT từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ. 2. Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc để sớm hoàn thiện dự án xây dựng cầu Bùi Thị Xuân (từ cuối đường Bùi Thị Xuân sang phường Nam Đồng) Dự án Phát triển giao thông đô thị, thành phố Hải Dương vay vốn Quỹ OFID (cầu Bùi Thị Xuân) có quy mô đầu tư gồm Xây dựng cầu vượt sông Thái Bình tại vị trí cuối đường Bùi Thị Xuân và đường dẫn để kết nối giao thông khu vực phường Nam Đồng, xã Tiền Tiến với khu vực trung tâm thành phố. Dự án đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 nguồn vốn ngân sách thành phố Hải Dương theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND thành phố. UBND tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh và thành phố sẽ thực hiện các bước đầu tư theo quy định, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào Quý I năm 2023 và hoàn thiện công trình vào năm 2025 3. Cử tri để nghị di chuyển cột điện giữa ngõ 192 đường Thanh niên – phường Quang Trung để đảm bảo an toàn cho người dân và mỹ quan Điện lực Thành phố Hải Dương đã lập phương án thay thế sửa chữa nhưng do không có mặt bằng vị trí trồng cột nên chưa thực hiện được. Hiện nay Điện lực Hải Dương đang triển khai dự án hạ ngầm đường điện hạ thế một số tuyến phố, trong đó có cột điện thuộc tuyến phố Thanh Niên trên. Điện lực Hải Dương sẽ thực hiện triển khai thi công trong thời gian tới. 4. Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh kiểm tra việc 59 hộ dân xây dựng nhà trông coi kiên cố trên đất chuyển đổi tại xã An Bình Theo quy định tại Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND ngày 03/05/2007 của UBND tỉnh Hải Dương quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý và giám sát việc xây dựng nhà trông coi vi phạm trên đất chuyển đổi; xử lý các công trình vi phạm theo quy định. Yêu cầu UBND huyện Nam Sách chỉ đạo UBND xã An Bình kiểm tra, lập hồ sơ, xử lý theo quy định; báo cáo UBND huyện Nam Sách để trả lời cử tri, đồng thời báo cáo UBND tỉnh. 5. Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh quan tâm tôn tạo, nâng cấp vành đai đê tại Tả ngạn sông Thái Bình Tuyến đê tả Thái Bình trên địa bàn huyện Nam Sách dài 17,595km từ K4+670-K22+265, là đê cấp I. Những năm qua đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đảm bảo phòng, chống lũ (toàn tuyến mặt đê rộng (5-6)m, đã được cứng hóa bằng bê tông). Tuy nhiên, hiện nay một số đoạn mặt đê bê tông bị nứt vỡ, mái đê bị xói, không đảm bảo hệ số mái. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp kết hợp đường giao thông, phát triển kinh tế xã hội, cụ thể: - Đoạn đê từ K4+670-K6+200 thuộc các xã Hợp Tiến, xã Hiệp Cát (dài 1.530m), đã đề xuất kế hoạch sửa chữa mặt đê trong năm 2022 từ nguồn vốn Bộ Nông nghiệp và PTNT thôn quản lý. - Đoạn đê từ K17+000-K22+265 thuộc các xã Thái Tân, Minh Tân (dài 5.265m), đã đề xuất nâng cấp mở rộng kết hợp đường giao thông thuộc Dự án ADB10 do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới. - Các đoạn đê còn lại sẽ xây dựng và đề xuất kế hoạch cải tạo, nâng cấp đảm bảo yêu cầu phòng chống lũ kết hợp với phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. 6. Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh sớm triển khai Dự án đầu tƣ xây dựng cầu Kênh Vàng vượt sông Thái Bình, kết nối tỉnh Bắc Ninh với Hải Dương Dự án cầu Kênh Vàng (dài L= 749m, B = 23,5m) và đường dẫn hai đầu cầu (mặt đường rộng 14m; lề rộng 2x0,75m; dải phân cách giữa rộng 1,5m) đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 366-NQ/HĐND ngày 10/5/2021. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở, ngành tham gia phương án hướng tuyến và giải pháp thiết kế dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương (hướng tuyến phù hợp với quy hoạch Đường tỉnh 397; bắt đầu từ cầu Kênh Vàng (vượt sông Thái Bình) đi qua xã Hiệp Cát, Hợp Tiến, Nam Tân và kết nối Quốc lộ 37 tại chân cầu Bình, tổng chiều dài khoảng 6,9Km). Trong đó tỉnh Bắc Ninh đầu tư toàn bộ phần cầu và đường dẫn cả hai bên với tổng mức đầu tư là 1.590 tỷ; tỉnh Hải Dương thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc địa phận tỉnh Hải Dương với kinh phí khoảng 152 tỷ. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương lập chủ trương đầu tư GPMB dự án thuộc địa phận tỉnh Hải Dương để sớm giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông tỉnh Bắc Ninh). Dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành dự án từ năm 2022 – 2025. III. Lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường 1. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh quan tâm sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch vùng huyện Ninh Giang để huyện có căn cứ triển khai kế hoạch sử dụng đất UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 23/9/2021 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ninh Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó: Giao cho UBND huyện Ninh Giang khẩn trương lập quy hoạch chung xây dựng các xã nông thôn đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định để làm cơ sở tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công bố quy hoạch được duyệt đảm bảo đúng thời gian theo quy định; Thực hiện quản lý quy hoạch theo quy định hiện hành. 2. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch, xây dựng nhà máy xử lý rác thải của huyện Công trình Nhà máy xử lý rác thải của huyện Ninh Giang đã được lập vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Ninh Giang được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4054/QĐ-UBND ngày 31/12/2021. Địa điểm đặt tại xã Tân Quang, với quy mô diện tích 7,0ha. Tuy nhiên, Danh mục công trình Nhà máy rác chưa được lập trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Ninh Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt. Để có thể triển khai xây dựng được Nhà máy rác thì UBND huyện Ninh Giang phải lập hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa đối với diện tích 7,0ha đã được quy hoạch Nhà máy rác tại xã Tân Quang và trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung Kế hoạch sử dụng đất làm căn cứ để thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định. 3. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh chỉ đạo thu hồi, xử lý trụ sở làm việc của một số cơ quan trên địa bàn huyện không còn sử dụng, tránh gây lãng phí Yêu cầu UBND huyện Ninh Giang rà soát, thống kê danh mục trụ sở làm việc của cơ quan trên địa bàn không còn nhu cầu sử dụng, báo cáo UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Luật quản lý tài sản công. 4. Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị thực hiện giám sát việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới sau khi bán đất nền cho nhân dân; tỉnh sớm có chủ trương hợp thức hóa đất dôi dư, xen kẹp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật * Về việc cử tri thành phố Hải Dƣơng đề nghị thực hiện giám sát việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các chủ đầu tƣ dự án khu đô thị mới sau khi bán đất nền cho nhân dân - Trong địa bàn tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị; trên cơ sở quy định về hoàn thành việc bồi thường GPMB, giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, nhiều Dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các Chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, điều kiện để các Dự án này được chuyển nhượng QSD đất dưới hình thức phân lô, bán nền phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 bao gồm: + Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm: các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải,… + Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có). - Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020; + Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở. - Trên cơ sở đảm bảo các điều kiện nêu trên, việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho người nhận chuyển nhượng QSD đất được thực hiện theo trình tự qui định tại Điều 72 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 sửa đổi bổ sung tại Khoản 22, Điều 1, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở. Theo quy định này thì: + Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình xây dựng và điều kiện chuyển nhượng QSD đất, bán nhà ở, công trình của chủ đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi thông báo kết quả kiểm tra cho chủ đầu tư; gửi thông báo kèm sơ đồ nhà đất đã kiểm tra cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục cho đăng ký nhà đất cho bên mua đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. + Chủ đầu tư dự án nộp thay cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua tự đi đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để thực hiện theo quy định. Như vậy, quy định pháp luật về thủ tục cấp GCN cho người nhận chuyển nhượng QSD đất tại dự án nhà ở, đất ở rất rõ ràng, chặt chẽ; do vậy trước khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản hiện nay người dân nên tìm hiểu, nắm bắt thông tin pháp lý đầy đủ của dự án. * Về việc tỉnh sớm có chủ trương hợp thức hóa đất dôi dư, xen kẹt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật Chính sách pháp luật đất đai hiện hành: Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ và Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 21/01/2022 của UBND tỉnh Hải Dương đã quy định việc xử lý đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh. 5. Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị tổng kết đánh giá việc thực hiện cơ chế đặc thù của tỉnh đối với thành phố Hải Dương Giai đoạn 2015 - 2020, cơ chế đặc thù về tài chính đã giúp thành phố Hải Dương phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để thành phố phát huy được những lợi thế là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh. Thực hiện cơ chế đặc thù về tiền thu sử dụng đất, thành phố đã khai thác được nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng quy mô và không gian đô thị hoàn thiện cơ bản các tiêu chí trở thành đô thị loại I sớm hơn kế hoạch 01 năm. Cụ thể như sau: - Về hệ thống giao thông đô thị: Đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn bộ các tuyến đường giao thông đô thị của khu vực trung tâm; xây dựng các đường trục chính kết nối các phường, xã, đáp ứng được nhu cầu đi lại, kết nối các địa phương với tổng mức đầu tư là 535,7 tỷ đồng. - Về hệ thống thoát nước: Xử lý cơ bản được tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, chủ yếu là khu vực trung tâm thành phố, đường Nguyễn Lương Bằng - Ngô Quyền; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các hạng mục phục vụ thoát nước của Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực thành phố Hải Dương” nguồn vốn vay WB... với tổng mức đầu tư là 188,2 tỷ đồng. - Về giáo dục và đào tạo: Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo, đảm bảo cơ bản phòng học cho các cấp học: đã xây mới thêm 378 phòng học, 08 phòng giáo dục nghệ thuật thể chất, 21 phòng bộ môn, 06 nhà đa năng, 125 phòng chức năng và cải tạo 162 nhà vệ sinh ở bậc mầm non; mở rộng thêm diện tích khuôn viên cho 19 trường học; đầu tư nâng cấp cho 57/79 trường học đạt chuẩn Quốc gia, 70/79 trường công lập đạt kiểm định với tổng mức đầu tư 357,4 tỷ đồng. - Về mở rộng quy mô và không gian đô thị: Đã điều chỉnh địa giới hành chính 05 xã: Tiền Tiến, Quyết Thắng, Ngọc Sơn, Gia Xuyên, Liên Hồng sáp nhập về thành phố Hải Dương; xây dựng hạ tầng một số khu dân cư mở rộng không gian đô thị, tạo nguồn thu cho ngân sách với tổng mức đầu tư là 279,7 tỷ đồng. - Về chỉnh trang đô thị: Đã thực hiện cải tạo, chỉnh trang các nút giao thông trung tâm, cửa ngõ vào thành phố; cải tạo vỉa hè, blốc một số tuyến phố; lắp đặt dụng cụ thể thao tại các khu vực công cộng.... tập trung khu vực trung tâm thành phố, thay đổi diện mạo đô thị, tạo ra nhiều khu vực vui chơi công cộng cho người dân, từng bước xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch đẹp với tổng mức đầu tư là 60,1 tỷ đồng. - Về cơ sở hạ tầng tại các phường, xã: Cơ bản đã được đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu tại địa phương về trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa, nghĩa trang nhân dân... với tổng mức đầu tư là 231 tỷ đồng. 6. Cử tri thành phố Chí Linh phản ánh nhiều dự án có quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thự hiện dang dở, thời gian kéo dài nhiều năm nhưng chưa có quyết định thu hồi đất hoặc thu hồi đất nhưng chưa bồi thường hỗ trợ, không hoặc chưa công bố việc điều chỉnh hủy bỏ. Do vậy, khi người sử dụng đất thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất sẽ gặp nhiều vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, đề nghị tỉnh chỉ đạo giải quyết Trong quá trình phát triển đô thị, để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trên địa bàn thành phố Chí Linh đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất lập phương án quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư mới như: Dự án Khu dân cư tập trung thị trấn Sao Đỏ (Khu đô thị Việt Tiên Sơn), thành phố Chí Linh; Khu đô thị thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh (nay là phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh); Khu dân cư hồ Mật Sơn, thị xã (nay là thành phố) Chí Linh; Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, thị xã Chí Linh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thương mại & Đô thị Chí Linh; Khu đô thị Sinh Thái Chí Linh, phường Chí Minh, thành phố Chí Linh; Khu dân cư Nam Thắng; Khu dân cư thương mại và chợ Cộng Hòa, thành phố Chí Linh; Khu đô thị mới phía Đông thành phố Chí Linh; Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh… Các dự án trên địa bàn thành phố Chí Linh đã có báo cáo triển khai theo Đồ án quy hoạch được phê duyệt. Hiện nay còn một số dự án có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục khác liên quan đến điều chỉnh dự án. UBND tỉnh đã giao UBND thành phố Chí Linh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các dự án còn vướng mắc nêu trên; Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án chưa tổ chức triển khai hoặc thực hiện dở dang, kéo dài thời gian thực hiện nhiều năm nhưng chưa có quyết định thu hồi đất hoặc thu hồi đất nhưng chưa bồi thường hỗ trợ và trong quá trình lập, thực hiện các quy hoạch, dự án phải tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến của người dân (theo từng quy định cụ thể), công bố công khai các quy hoạch, tạo dự đồng thuận của người dân và thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng của từng dự án. 7. Cử tri kiến nghị khi chấp thuận chủ trương đầu tƣ dự án về các địa phương phải đảm bảo điều kiện môi trường xanh và sạch, tránh tình trạng khi dự án đi vào hoạt động gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân - Theo chủ trương thu hút đầu tư của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật trong đó có khu xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường; ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. - Trước khi xem xét, chập thuận chủ trương đầu tư dự án, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thẩm định về sự phù hợp của dự án với các Quy hoạch có liên quan, về công nghệ của dự án, về tác động môi trường và biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của dự án….Trên cơ sở ý kiến đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường và ý kiến thống nhất của Liên ngành đối với đề xuất dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, trong đó kiến nghị các yêu cầu đối với nhà đầu tư về việc tuân thủ pháp luật về môi trường theo đúng quy định. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là căn cứ để chấp thuận chủ trương đầu tư, tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án theo quy định. - Tuy nhiên trong quá trình hoạt động thực tế của dự án cần có sự giám sát cộng đồng của người dân địa phương khu vực dự án để nắm bắt được những thông tin, phát hiện kịp thời những vi phạm của nhà đầu tư trong việc không tuân thủ nghiêm các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. 8. Cử tri thành phố Chí Linh phản ánh: Hiện nay, nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương tại xã Quang Thành - thị xã Kinh Môn hoạt động gây tiếng ồn, xả khói bụi, ảnh hưởng đến hoa màu, sức khỏe của nhân dân khu vực gần nhà máy; kiến nghị tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết UBND thành phố Chí Linh đã ban hành Công văn số 632/UBND-TNMT ngày 11/8/2021 phản ánh Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương của Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương tại xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn hoạt động gây ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến phường Đồng Lạc, thành phố Chí Linh và đề nghị kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Nhà máy. - Sau khi nhận được thông tin phản ánh Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND phường Đồng Lạc, Trưởng khu dân cư Mạc Ngạn để làm rõ các nội dung cử tri phản ánh (phản ánh gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn) đồng thời kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương và đã có Văn bản số 2114/STNMT-TTr ngày 09/11/2021 trả lời gửi UBND thành phố Chí Linh, theo đó chưa đủ căn cứ để khẳng định Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương phát thải (khí, bụi, tiếng ồn) gây ô nhiễm môi trường. Việc đánh giá tác động từ hoạt động của Nhà máy đến khu dân cư Mạc Ngạn, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện đánh giá được do điều kiện thời tiết không đảm bảo (hướng gió không thổi theo hướng từ Nhà máy về phía khu dân cư). - Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Chi cục Bảo vệ môi trường hướng dẫn và giám sát chặt chẽ Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện quan trắc môi trường khu dân cư Mạc Ngạn khi đảm bảo các điều kiện thời tiết theo quy định; UBND thành phố Chí Linh chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND phường Đồng Lạc thường xuyên theo dõi, giám sát tác động từ Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương đến môi trường của khu dân cư. 9. Cử tri huyện Gia Lộc đề nghị tỉnh chỉ đạo, giải quyết việc ô nhiễm nguồn nước trên đoạn kênh Đoàn Thượng – Thạch Khôi đảm bảo môi trường sống và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp - Sông Trần Nội (kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng) có chiều dài khoảng 12,33 km thuộc địa phận thành phố Hải Dương và huyện Gia Lộc. Điểm đầu của sông Trần Nội là cầu Phú Tảo thuộc phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương, điểm cuối nhập với sông Đình Đào (Đò Đáy) tại cầu Tràng Thưa thuộc địa phận xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc. Sông Trần Nội chảy qua địa bàn 6 xã, phường, thị trấn bao gồm: Phường Thạch Khôi, xã Gia Xuyên, thành phố Hải Dương và các xã Gia Tân, thị trấn Gia Lộc, xã Toàn Thắng và xã Đoàn Thượng của huyện Gia Lộc. Sông Trần Nội nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, thực hiện nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp đồng thời cũng là hệ thống thoát nước mặt cho khu vực. - Qua công tác theo dõi, giám sát cho thấy, ngoài việc đang phải tiếp nhận rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải sản xuất từ các cơ sở sản xuất, các chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống,..dọc hai bờ tuyến kênh thì tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng còn bị ảnh hưởng nguồn nước đã bị ô nhiễm từ sông Sặt chảy vào, mà xuất phát điểm của nguồn ô nhiễm này là do tiếp nhận nguồn nước đã ô nhiễm từ các tỉnh thượng nguồn (thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên) chảy vào tỉnh Hải Dương và đây chính là các nguyên nhân gây lên tình trạng ô nhiễm tại kênh Thạch Khôi - Gia Lộc. - Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên đoạn kênh Đoàn Thượng - Thạch Khôi, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng nước; phối hợp trao đổi thông tin với các tỉnh phía thượng nguồn và lắp đặt quan trắc môi trường tự động tại điểm tiếp nhận nguồn nước vào tỉnh để nắm bắt chất lượng nguồn nước sông bị ô nhiễm và thông tin cảnh báo tới các địa phương kịp thời điều chỉnh các hoạt động khai thác, sử dụng nước nhằm giảm thiểu các tác động do tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm; đồng thời yêu cầu UBND thành phố Hải Dương, UBND huyện Gia Lộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc: + Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. + Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi, sản xuất kinh doanh đang thải trực tiếp nước thải vào sông, kênh, mương. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường. + Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý rác thải sinh hoạt không để tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. + Chỉ đạo Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi của huyện, thành phố và các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp của các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tuyến sông, kênh mương tưới tiêu; Thực hiện áp dụng linh hoạt quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý để đề xuất, chủ động trong việc thau rửa nguồn nước kênh, mương khi có điều kiện phù hợp đảm bảo chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. IV. Lĩnh vực văn hóa, xã hội 1. Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa tại các khu dân cư sau khi sáp nhập Nguồn kinh phí xây dựng, cải tạo, mua sắm tăng cường cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn, khu dân cư thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là thôn, khu dân cư đảm bảo theo phân cấp quản lý và được huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định (nguồn xã hội hóa, hỗ trợ từ ngân sách, nguồn thu hợp pháp khác). Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng mới nhà văn hóa thôn, khu dân cư đến hết năm 2020 theo Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh Hải Dương. Từ năm 2021 đến nay UBND tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ, do đó không có cơ sở để hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh. Hiện nay do thực hiện chủ trương chia tách, sáp nhập thôn, khu dân cư nên một số thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa do chia tách; cơ cở vật chất nhà văn hóa chưa đáp ứng được quy mô hoạt động do sáp nhập, cần xây dựng mới hoặc nâng cấp sửa chữa, việc này không chỉ phát sinh ở thành phố Hải Dương mà phát sinh trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã khi thực hiện chia tách, sáp nhập thôn, khu dân cư. Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu về chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. 2. Cử tri trong tỉnh đề nghị ngành Công an đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho nhân dân Trong quá trình thực hiện cấp CCCD có gắn chíp điện tử, có thời gian xảy ra tình trạng chậm tiến độ cấp CCCD cho nhân dân do 2 nguyên nhân chủ yếu là: (1) “Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân” chưa được hoàn thiện, cập nhật đầy đủ thông tin dân cư dẫn đến nhiều trường hợp công dân bị sai lệch thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (2) Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra rất phức tạp, làm phong tỏa, giãn cách xã hội diện rộng, kéo dài, làm nguồn cung cấp chíp điện tử nhập khẩu từ nước ngoài dùng để sản xuất thẻ CCCD chưa được bổ sung kịp thời cho Bộ Công an gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng việc in trả thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho công dân. Công an tỉnh đã đề xuất Bộ Công an khắc phục một số tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp cho công dân như: Cập nhật, hoàn thiện “Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân”; khắc phục đường truyền dữ liệu từ cơ sở đến Trung ương; đẩy nhanh tiến độ cấp trả thẻ CCCD về công an các địa phương để tiến hành trả thẻ CCCD cho công dân… Đến nay cơ bản những tồn tại, vướng mắc trên đã được Bộ Công an khắc phục. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới quần chúng nhân dân về tầm quan trọng, tính ưu việt của thẻ CCCD gắn chíp; đẩy mạnh công tác xử lý hồ sơ đề nghị cấp thẻ CCCD gắn chíp cho công dân, làm sạch thông tin dân cư trên Cơ sở dữ liệu về dân cư, phối hợp chặt chẽ với Cục C06 – Bộ Công an nâng cấp “Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân” nhằm đảm bảo tính chính xác, đồng bộ các thông tin của công dân trong quá trình làm thủ tục đề nghị cấp CCCD gắn chíp điện tử; ngay sau khi nhận thẻ từ Bộ Công an, các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp khẩn trương xử lý, trả thẻ CCCD gắn chíp cho công dân. Tính đến ngày 08/3/2022, toàn tỉnh đã tiến hành thu nhận 1.238.316 hồ sơ CCCD gắn chíp đối với công dân đủ điều kiện làm thẻ CCCD; tiến hành truyền dữ liệu lên Trung ương 1.202.868 hồ sơ CCCD gắn chíp. Nhận 1.124.863 thẻ CCCD từ Trung ương, tiến hành trả thẻ cho công dân: 1.104.171 thẻ CCCD gắn chíp. Ngay sau khi nhận được thẻ CCCD gắn chíp Công an tỉnh đã nhanh chóng chuyển thẻ CCCD cho Bưu điện (đối với công dân có nhu cầu chuyển phát) và thông báo cho người dân đến nhận thẻ CCCD gắn chíp tại xã, phường, thị trấn nơi công dân cư trú, tạm trú. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại toàn tỉnh còn 35.448 hồ sơ chưa truyền; 78.005 trường hợp đã truyền nhưng chưa nhận được thẻ. Số hồ sơ này chủ yếu là trong thời gian thực hiện “chiến dịch cấp CCCD”, lý do: Trong thời điểm làm CCCD gắn chíp từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2021, quy trình thực hiện thu nhận hồ sơ CCCD được thực hiện trên hệ thống không khai thác trực tiếp trên hệ thống dân cư dẫn đến việc công dân khai thông tin không đúng với nội dung trong dữ liệu dân cư; công dân khai sai loại cấp dẫn đến việc Bộ Công an loại hồ sơ. Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH đã trực tiếp thông báo cho công dân nội dung sai nhưng do công dân hoàn thiện thủ tục để chỉnh sửa dữ liệu dân cư nên dẫn đến số hồ sơ trên chưa giải quyết được. Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện một số nội dung sau: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Báo chí, Đài truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính ưu việt của thẻ CCCD gắn chíp. - Tiếp tục tổ chức triển khai đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ CCCD gắn chíp đối với công dân đủ từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh chưa được cấp thẻ CCCD gắn chíp. - Tiếp tục thông báo, hướng dẫn công dân hoàn thiện thủ tục, khắc phục thông tin chưa đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến hành cấp thẻ CCCD theo đúng quy định. - Phối hợp chặt chẽ với ngành Bưu điện và các đơn vị liên quan để tiến hành cấp phát, chuyển trả CCCD đến người dân một cách nhanh nhất. 3. Cử tri trong tỉnh đề nghị ngành Công an có kế hoạch, phương án phòng, chống tội phạm để ổn định trật tự xã hội, không để xảy ra trường hợp bất ngờ, nhất là sau thời gian tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Sau khi dịch Covid-19 xảy ra, có thời điểm tỉnh Hải Dương trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Số lượng lớn công nhân, người lao động phải nghỉ việc, nhiều cơ sở, dịch vụ kinh doanh phải đóng cửa dẫn đến đời sống, thu nhập của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu về các thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh tăng cao… Những yếu tố trên là nguyên nhân, điều kiện phát sinh một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật như: Tội phạm Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cờ bạc, mại dâm; tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội phạm và vi phạm pháp luật lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế, đầu cơ, làm giả, trục lợi, nhất là các mặt hàng y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh; tàng trữ, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở kinh doanh ăn, uống; tội phạm và các vi phạm pháp luật trên không gian mạng... Trước tình hình đó, nhằm ổn định trật tự xã hội, không để xảy ra trường hợp bất ngờ, nhất là sau thời gian tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 25/08/2021, Công an tỉnh đã xây dựng, triển khai Phương án số 1679/PA- CAT-PV01 về tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Phương án đã đề ra mục tiêu, yêu cầu như là: (1) Nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh cũng như tình hình ANTT, chủ động dự báo và triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; (2) Phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt 90% trở lên, điều tra khám phá án đạt trên 75%, giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông; (3) Bảo đảm ANTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tạo môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh phục vụ thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Qua triển khai các biện pháp công tác từ ngày 14/12/2021 đến nay, lực lượng Công an đã đạt được kết quả nổi bật như: Tỷ lệ điều tra khám phá đạt 93%, trong đó, 100% các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng được điều tra làm rõ, gồm: Giết người 5 vụ, 05 đối tượng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 01 vụ, 01 đối tượng; Cướp tài sản: 05 vụ, 06 đối tượng; cưỡng đoạt tài sản: 01 vụ, 01 đối tượng; trộm cắp tài sản: 18 vụ, 14 đối tượng. Phát hiện, xử lý: 83 vụ, 366 đối tượng cờ bạc, xử lý 07 vụ, 16 đối tượng mại dâm. Bắt giữ 540 vụ, 550 đối tượng vi phạm về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm thu giữ hàng hóa trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng; khởi tố 36 vụ, 40 bị can (trong đó, khởi tố 02 vụ tham nhũng). Phát hiện, bắt giữ 281 vụ, 437đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy (tăng 216 vụ, tăng 253 đối tượng so với thời gian liền trước), trong đó, khởi tố 200 vụ, 232 bị can; thu giữ tang vật 717,15g heroin, 1181,2396g ma túy tổng hợp. Phát hiện, xử lý 596 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 550 vụ, tăng 549 đối tượng so với thời gian liền trước), khởi tố 2 vụ, 2 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 214 vụ, 251 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 122 vụ, 132 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu giữ 377,945 kg pháo các loại. Vận động nhân dân giao nộp trên 14 kg pháo nổ. Phát hiện, bắt giữ 01 vụ, 01 đối tượng phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, viễn thông và 01 vụ, 04 đối tượng giao dịch bán thông tin về tài khoản ngân hàng. Phát hiện, xử lý 87 vụ, 87 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; khởi tố 04 vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người”; 08 vụ, 15 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; 01 vụ, 01 bị can về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người”... Qua đó đã giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời gian tới, để tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ công tác sau: - Chủ động nắm bắt các tình hình, diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến dịch bệnh, các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Bộ Công an để kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ANTT và phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. - Thực hiện quyết liệt các giải pháp căn cơ làm chuyển biến tình hình, làm giảm tội phạm một cách thực chất, bền vững, hiệu quả. Thường xuyên phân tích, đánh giá cơ cấu tội phạm, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ ở cơ sở để đưa ra các giải pháp phòng ngừa cụ thể đối với từng nhóm, từng loại tội phạm. Tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi lên về tội phạm ở từng địa bàn, lĩnh vực; liên tục đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, như là tội phạm xâm phạm nhân thân, tội phạm xâm phạm sở hữu…Đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với tội phạm ma túy; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch (lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu, lừa đảo lợi dụng dịch Covid-19 trên không gian mạng,…) không để tội phạm lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Tiếp tục triển khai các giải pháp kéo giảm tội phạm trên địa bàn. - Phấn đấu vượt mức chỉ tiêu theo Nghị quyết 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội như: (1)Tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%. (2)Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%. (3)100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. (4)Điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 75%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố. - Thực hiện tốt biện pháp vũ trang phục vụ phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Có phương án cụ thể tổ chức phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai, kết hợp với mật phục, chốt chặn tại các địa bàn trọng điểm để răn đe, phòng ngừa và phát hiện, xử lý tội phạm. Đảm bảo lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay, nhất là trong và sau thời gian tập trung phòng chống dịch bệnh. 4. Cử tri huyện Nam Sách phản ánh công tác tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh hiệu quả chưa cao, nhất là việc giải quyết tố cáo cán bộ vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp. Đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị các cấp cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân Trong những năm qua các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đã quan tâm và thực hiện nghiêm túc pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân đã chặt chẽ, kịp thời hơn. Công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh. Chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nạo tố cáo đã được nâng cao hơn. Việc đối thoại với công dân được tăng cường; kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản chính xác, đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi. Tuy nhiên trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo một số vụ việc cấp chính quyền địa phương giải quyết chưa kịp thời, chưa thấu tình đạt lý, giải quyết khiếu nại còn chưa đảm bảo quy định dẫn đến có vụ việc phải thu hồi quyết định giải quyết; xử lý vi phạm còn nể nang, chưa cương quyết dẫn đến công dân bức xúc gửi đơn thư vượt cấp. Trong thời gian tới yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. 5. Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh sớm có kết luận giải quyết 02 đơn thƣ còn lại liên quan đến cán bộ của xã Hưng Long sau khi sáp nhập để xã bố trí cán bộ cho hiệu quả, kịp thời Ngày 28/10/2021 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Kết luận số 3936/KL- UBND, kết luận “nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Đình Tranh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đã có hành vi bao che cho các sai phạm của ông Bùi Quang Quý, Chủ tịch UBND xã Hưng Long và các cá nhân có liên quan”. Căn cứ vào kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện chỉ đạo xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. V. Lĩnh vực chế độ, chính sách 1. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm nâng mức phụ cấp, hỗ trợ với người hoạt động không chuyên trách tại thôn, khu dân cư; quy định các mức phụ cấp theo quy mô số hộ gia đình ở khu dân cư - Căn cứ khoản 6, Điều 2, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; bổ sung Điều 14a. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: “ Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.” - Ngày 25/7/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức bồi dưỡng và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, khu dân cư; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trong đó, đã quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu dân cư đúng bằng mức quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/3/2019 của Chính phủ. Việc nâng mức phụ cấp mà cử tri đề nghị chỉ được điều chỉnh khi có quy định mới của Chính phủ. 2. Cử tri đề nghị tỉnh nâng mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nâng phụ cấp cho các hội có tỉnh chất đặc thù * Về mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội thôn, khu dân cư Đã được quy định tại Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 25/7/2020 của HĐND tỉnh trên cơ sở căn cứ vào khả nâng cân đối của ngân sách địa phương. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và giao cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính nghiên cứu xem xét để tham mưu cụ thể theo quy định, nếu ngân sách địa phương đảm bảo khả năng cân đối. * Về việc nâng phụ cấp cho các hội có tỉnh chất đặc thù Theo quy định, những người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù thì được hưởng chế độ thù lao (không có chế độ phụ cấp). Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ- CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội; UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 về việc quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh đang áp dụng (thực hiện) chế độ thù lao tối đa đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu hội (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) theo quy định, cụ thể: “ Mức thù lao hàng tháng: Chủ tịch Hội cấp tỉnh: hưởng hệ số 3,5 lần mức lương tối thiểu chung; Chủ tịch Hội cấp huyện hưởng hệ số 2,2 lần mức lương tối thiểu chung; Chủ tịch Hội cấp xã hưởng hệ số 2,6 lần mức lương tối thiểu chung. Đối với những người không phải là người nghỉ hưu, không hưởng chế độ công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách (Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội) tại tổ chức Hội có tính chất đặc thù hưởng theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ”. Đến nay, Trung ương chưa điều chỉnh các văn bản nêu trên, nên UBND tỉnh chưa có căn cứ để điều chỉnh chế độ thù lao cho những người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù; hiện các tổ chức Hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh đang thực hiện ổn định theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh. 3. Cử tri đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí sử dụng hình thức hỏa táng Việc hỗ trợ kinh phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ chi phí khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo quy định của Nghị quyết thời gian thực hiện việc hỗ trợ kinh phí hỏa táng được áp dụng từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 31/12/2020. Sau hai năm tổ chức triển khai thực hiện với sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể các cấp và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, việc hỗ trợ kinh phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có những kết quả bước đầu: Năm 2019 toàn tỉnh có 3.839 đám tang thực hiện hoả táng/10.987 đám tang = 34,9%. Tổng kinh phí đã hỗ trợ là: 8 tỷ 330 triệu đồng; Năm 2020 toàn tỉnh có 5.374 đám tang thực hiện hoả táng/11.311 đám tang = 47,5% (so với năm 2019 tăng số ca hoả táng là 12,6 %). Tổng kinh phí đã hỗ trợ là: 14 tỷ 962 triệu đồng. Tổng số kinh phí đã hỗ trợ trong 02 năm là: 23 tỷ 292 triệu đồng. Sử dụng hình thức hỏa táng vừa nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm đất, không phải cải táng, không ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Từ đó đã dần xóa bỏ được các hủ tục mê tín dị đoan, không tổ chức mời khách ăn uống trong ngày tang lễ. Người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tự giác, tôn trọng các quy định về nếp sống văn minh trong việc tang của cộng đồng. Do đó, môi trường xã hội có chuyển biến lành mạnh, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được nâng cao. Hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước về văn hóa trong đời sống cộng đồng được khẳng định rõ rệt, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gạt bỏ dần các yếu tố lạc hậu và hủ tục mê tín. Đến thời điểm hiện tại chính sách hỗ trợ chi phí sử dụng hình thức hỏa táng đã hết hiệu lực, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo UBND tỉnh theo quy định hiện hành. Toàn văn Báo cáo Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Ban biên tập tổng hợp
|