LIÊN KẾT WEBSITE
 
 

Tổng hợp trả lời ý kiến cử tri các địa phương qua các kỳ họp Quốc hội khóa XV
Trả lời ý kiến của cử tri huyện Cẩm Giàng
Cập nhật: 22/11/2022 08:32:11 PM
Các Bộ: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải trả lời.
 

1. Đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; tiếp tục có chính sách quan tâm hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp hậu Covid-19; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng.

Bộ Xây dựng trả lời như sau:

1. Về cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội, cụ thể như: (i) Miễn tiền sử dụng đất; (ii) Được dành 20% tổng diện tích ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; (iii) Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; (iv) Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; (v) Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; (vi) Chi phí mua hoặc thuê nhà ở công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Do công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp thì họ còn là nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với tổng diện tích 7,3 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn.

  Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra (với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành 2,7 triệu m2 (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động) thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020), hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng với giá thành thuê nhà khoảng 2 đến 5 triệu, đáp ứng từ 4-6 người ở, tuy nhiên chất lượng kém, không đảm bảo an ninh, an toàn, không đầy đủ tiện ích…

Để giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ quy định pháp luật, một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà ở cho công nhân phải tiếp tục sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật liên quan, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho góp ý tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.

2. Về việc tiếp tục có chính sách quan tâm hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp hậu Covid-19; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội sớm phục hồi sau đợt dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Một trong các mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, có 02 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cụ thể là: (1) Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng; (2) Cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.

Đồng thời để đảm bảo việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đúng quy định pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách; đề nghị kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

2. Đề nghị nâng mức trợ cấp hàng tháng cho người có công.

  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Ngày 24/7/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2021. Theo đó đã có một số điều chỉnh về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như: Mức trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng được điều chỉnh tăng lên bằng 3 lần mức chuẩn (từ 1.624.000 đồng/tháng được điều chỉnh lên 4.872.000 đồng/tháng); mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ tăng từ mức 500.000 đồng/năm lên 1.400.000 đồng/năm; chế độ điều dưỡng tại gia đình và điều dưỡng tập trung cũng được điều chỉnh tăng lên với 1.461.600 đồng và 2.923.200 đồng/năm... cùng với đó là việc điều chỉnh các mức trợ cấp, phụ cấp khác nhằm từng bước nâng cao đời sống người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các nội dung khác như: Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công với cách mạng; Hỗ trợ kinh phí mua thuốc, chăm sóc y tế để các cơ sở nuôi dưỡng thực hiện chăm sóc y tế thông thường; bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở; Hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; Hỗ trợ phục vụ công tác điều dưỡng người có công; Chi xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Chi đón tiếp, thăm hỏi, tặng quà người có công…

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương nghiên cứu hoàn thiện chính sách, điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

3. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng cường đèn chiếu sáng trên Quốc lộ 5.

Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

1. Đoạn tuyến Quốc lộ 5 (QL.5) qua địa phận tỉnh Hải Dương có chiều dài 44,11km (từ Km33+720 đến Km77+830). Trong đó có 19 đoạn tuyến với tổng chiều dài là 22,32km đã được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng [1]. Hiện nay do tốc độ đô thị hóa khu vực đoạn tuyến QL.5 nêu trên rất cao, hai bên đường hình thành nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; mật độ giao thông trên tuyến đường rất lớn, nhất là vào thời điểm hết giờ làm việc hành chính, giờ tan ca..., nên việc tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành[2] không cho phép Bộ GTVT và VIDIFI sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm để lắp đặt bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng trên QL.5 nêu trên, rất mong cử tri tỉnh Hải Dương thông cảm, chia sẻ.

2. Để đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương căn cứ quy định hiện hành[3] chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh bố trí nguồn vốn của địa phương đẻ lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến QL.5 qua địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục ĐBVN và VIDIFI phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát cụ thể các vị trí cần thiết bổ sung đèn chiếu sáng, phục vụ nhu cầu đi lại và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.


[1] qua khu vực thành phố Hải Dương, các khu vực nội thị thị trấn, khu vực đông dân cư và trên các công trình cầu đường bộ…

 [2]  Thông tư số 60/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/6/2017 hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ quy định.

 [3] Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 của Chính phủ về chiếu sáng đô thị.

Ban biên tập tổng hợp

 
Các tin mới hơn
Trả lời ý kiến của cử tri thành phố Hải Dương (22/11/2022)
Trả lời ý kiến của cử tri huyện Gia Lộc (22/11/2022)
 
Quay lạiXem tiếp