Cử tri băn khoăn về việc mức trần học phí giáo dục đại học theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ tăng cao và Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa gây lãng phí, tạo áp lực đối với tình hình kinh tế - xã hội và người học; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tham mưu điều chỉnh cho phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: 1. Về học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo áp dụng từ năm học 2021-2022. Theo đó, mức học phí của giáo dục, đào tạo áp dụng từ năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 và ý kiến lãnh đạo Chính phủ, Bộ GDĐT đã có Tờ trình số 1136/TTr-BGDĐT ngày 26/8/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết giữ ổn định mức học phí năm 2021-2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm 2021-2022 góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống. Ngày 20/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về học phí với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. 2. Về phương án quản lý giá sách giáo khoa (SGK) Theo quy định của Luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá. Theo đó, nhà xuất bản và các doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá). Trong thời gian vừa qua, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát phương án kê khai giá SGK mới. Đồng thời Bộ GDĐT đã thực hiện các giải pháp để tăng cường bình ổn giá SGK, đảm bảo an sinh xã hội như sau: - Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. - Ban hành văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí để giảm giá SGK; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cung cấp SGK cho các học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội; học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; học sinh hộ nghèo, cận nghèo để các em học sinh có đủ SGK đến trường. Ngoài ra, đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) là doanh nghiệp Nhà nước do Bộ GDĐT quản lý, Bộ GDĐT đã chỉ đạo NXBGDVN nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối để giảm chi phí phát hành; đẩy mạnh tái cơ cấu NXBGDVN theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự, tiết giảm tối đa các bộ phận trung gian, bộ phận quản lý để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán SGK. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã có Công văn số 3910/BGDĐT-KHTC ngày 17/8/2022 và Công văn số 5501/BGDĐT-KHTC ngày 19/10/2022 gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó thống nhất với dự thảo Luật Giá sửa đổi về nội dung bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ban biên tập |