Logo
 

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỀ NGHỊ TIẾP THU, GIẢI TRÌNH NỘI DUNG VỀ ĐẤT ĐAI CHO TÔN GIÁO, VĂN HÓA, GIÁO DỤC

Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, giải trình nội dung về đất đai cho tôn giáo tín ngưỡng, di sản văn hóa, giáo dục mà Báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đặt ra đối với dự thảo Luật này.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị lần này cho thấy, Ban soạn thảo đã xây dựng hồ sơ, dự thảo luật với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các vị đại biểu Quốc hội, của những người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý đất đai ở các cấp, của các tầng lớp nhân dân... với mong muốn khắc phục những vướng mắc xuất phát từ cơ chế đang tồn tại.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm góp ý vào 5 nội dung cụ thể:

Quy định cụ thể về khái niệm “chiếm đất”

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng,  khái niệm “chiếm đất” quy định tại khoản 11 Điều 3 vẫn chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể để phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật đất đai trong thời gian qua cũng như phù hợp với các quy định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đất đai.

Khoản 11 Điều 3 Dự thảo quy định chiếm đất là việc sử dụng đất không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về giao đất, thuê đất là thủ tục liên thông, nhiều bước, trong đó bao gồm quyết định giao đất, thuê đất (tức là đã cho phép), cấp giấy chứng nhận, bàn giao đất (chính thức sử dụng). Do đó, xảy ra trường hợp đã quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa hoàn thành thủ tục bàn giao đất thì có xác định là hành vi chiếm đất hay không?

Các đại biểu tại hội nghị

Mặt khác, nhiều trường hợp hết hạn sử dụng đất mà chưa kịp gia hạn, trong đó đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các ngân hàng quốc doanh sử dụng đất đã hết hạn, chưa được gia hạn có được xác định là hành vi chiếm đất hay không, có thuộc trường hợp thu hồi đất hay không cũng cần làm rõ và quy định cụ thể để việc thực hiện tại địa phương được thống nhất.

Cân nhắc áp dụng linh hoạt quy định thu hồi đất

Về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, Khoản 3 Điều 81 quy định thu hồi đất trong trường hợp “Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền hoặc không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất”.

Đại biểu Nga cho biết, trên thực tế có thể xảy ra trường hợp tại thời điểm giao đất, cho thuê đất tuy không phù hợp nhưng đúng thẩm quyền, đúng mục đích nhưng tại thời điểm phát hiện vi phạm thì việc giao đất, cho thuê đất trước đó lại phù hợp quy hoạch hoặc kế hoạch đang thực hiện.

Đối với trường hợp này, đại biểu đề nghị cân nhắc có cần thiết phải thu hồi hay không, hay áp dụng linh hoạt để tránh gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư và nhà nước. Tình huống này, các địa phương đã gặp và cũng đang lúng túng trong khâu xử lý.

Quy định cơ chế thưởng phải đi liền với nguồn lực, trách nhiệm thực hiện

Về bố trí tái định cư, Khoản 7 Điều 111 của dự thảo Luật có quy định cơ chế khuyến khích đối với người có đất bị thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn “Có cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn”. Tuy nhiên, theo đại biểu, đây là một quy định chung chung, rất dễ gây khó khăn khi thực hiện.

Nữ đại biểu cho rằng, việc quy định chế độ thưởng phải cùng với sự cụ thể về nguồn lực, trách nhiệm thực hiện thì quy định mới có thể đi vào thực tế cuộc sống. Quy định “cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn” không rõ ràng như vậy, vừa không khuyến khích được người có đất bị thu hồi giao đất trước thời hạn, vừa dễ dẫn tới tình trạng bức xúc, khiếu nại trong nhân dân do sự áp dụng “cơ chế thưởng” không đồng đều, thống nhất.

Cần cơ chế kiểm soát giá giao dịch đất đai thực tế và bắt buộc khai báo, đăng ký biến động đất đai

Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Điều 165 dự thảo Luật quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm các thông tin về đất đai, trong đó có giá đất. Tuy nhiên, đại biểu Nga cho biết, hiện nay việc quản lý, kiểm soát giá giao dịch đất đai thực tế của chúng ta chưa hiệu quả. Nên việc thu thập thông tin giá đất đảm bảo đúng với giá thị trường để đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ gặp khó khăn.

Vì vậy, để đảm bảo tính thực chất, phản ánh đúng thị trường của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đại biểu cho rằng, cần rà soát xây dựng cơ chế kiểm soát được giá giao dịch đất đai thực tế, cũng như quy định về việc bắt buộc phải khai báo, đăng ký biến động đất đai.

Đề nghị tiếp thu, giải trình nội dung về đất đai cho tôn giáo, văn hóa, giáo dục

Đặc biệt, về đất tôn giáo tín ngưỡng, di sản văn hóa, giáo dục, đại biểu tỉnh Hải Dương cho biết, các ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã góp ý rất cụ thể về các điều khoản trong dự thảo Luật nhưng hầu hết chưa được tiếp thu, giải trình.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, giải trình nội dung về đất đai cho tôn giáo tín ngưỡng, di sản văn hóa, giáo dục mà Báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đặt ra đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện đang gặp phải để quản lý đất đai được tốt hơn và sử dụng đất đai hiệu quả hơn. Riêng đất tôn giáo tín ngưỡng, đất di sản văn hóa và đất giáo dục hiện nay đang có những vấn đề vướng mắc trong quản lý và sử dụng do các quy định hiện hành còn nhiều bất cập.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng và sẽ rất dễ trở nên phức tạp nếu không có những quy định cụ thể, hợp lý và khả thi. Bởi vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình những vấn đề đặt ra trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đối với dự thảo Luật này.

Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội

Đang trực tuyến: 3
Truy cập hôm nay: 312707
Tổng lượt truy cập: 59011010