Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhiều Bộ trưởng
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao đổi với PV Tiền Phong về những vấn đề nóng trong hai lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn và tiến hành chất vấn về hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Đây là hai lĩnh vực rất quan trọng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Do vậy, việc chất vấn đối với hai Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính có ý nghĩa rất lớn”.
Cần thanh tra diện rộng về bảo hiểm
Nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Tài chính lần này tương đối rộng, bao gồm kinh doanh bảo hiểm, xổ số, đặt cược, casino, hải quan, quản lý giá… Cá nhân bà quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực gì trong phần chất vấn “tư lệnh” ngành Tài chính?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) |
Đối với lĩnh vực Tài chính, thời gian qua, có rất nhiều chính sách liên quan đến tài khóa, tiền tệ, được Chính phủ ban hành để vực dậy nền kinh tế bị suy giảm sau đại dịch COVID-19. Hiện nay, chúng ta cũng phải xem xét, đánh giá lại quá trình thực hiện, xem đâu là ưu điểm, đâu là nhược điểm, để từ đó tiếp tục đưa ra những chính sách phù hợp tiếp theo.
Cũng trong lĩnh vực này, có rất nhiều vấn đề nổi cộm, được đông đảo cử tri và người dân quan tâm, như công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Vừa qua, dư luận phản ánh có nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không rõ ràng, gần như “bẫy” người tham gia, trong đó có những trường hợp tham gia với số lượng tiền rất lớn.
Tôi cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm cũng như làm trong sạch thị trường bảo hiểm nhân thọ, rất cần thiết phải rà soát lại và làm rõ trách nhiệm quản lý, cũng như giải pháp để lập lại kỷ cương cho thị trường bảo hiểm nhân thọ. Bởi lĩnh vực này được đánh giá là có sự phát triển nở rộ, nhưng lại có phần bát nháo.
Theo bà, việc tăng cường thanh tra các công ty bảo hiểm có góp phần làm lành mạnh thị trường này?
Tôi rất muốn có sự thanh tra, vào cuộc mạnh mẽ, thậm chí không chỉ một vài doanh nghiệp mà có thể tiến hành thanh tra trên diện rộng, bởi vì những lùm xùm về thị trường bảo hiểm đã xảy ra đột biến trong thời gian gần đây.
Thứ nữa, khi minh bạch được thị trường này sẽ tạo cơ hội cho các công ty bảo hiểm làm ăn chân chính để phát triển thị trường bảo hiểm ở Việt Nam. Còn hiện nay, từ nhận thức người dân đến việc các công ty bảo hiểm phát triển ở Việt Nam, tôi thấy cũng đang có vấn đề, cần thiết phải được chấn chỉnh.
Tiềm năng du lịch khai thác chưa hiệu quả
Còn trong lĩnh vực ngoại giao, bà quan tâm và muốn chất vấn Bộ trưởng về lĩnh vực gì?
Với lĩnh vực thuộc về Bộ Ngoại giao, vốn rất ít được đăng đàn, và đây là phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV này. Chúng ta đều biết, vấn đề ngoại giao đang rất được chú trọng, bởi hiện nay, tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến khá phức tạp. Việt Nam với quan điểm làm bạn với các nước, trên cơ sở hợp tác cùng có lợi và tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Vậy chúng ta sẽ ứng xử như thế nào trong bối cảnh thế giới đang phân cực mạnh mẽ như thế này? Mối quan hệ Việt Nam với các nước như thế nào?...
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc |
Tôi thấy còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải nhìn nhận lại để phát triển trong thời gian tới. Ví dụ Việt Nam vẫn được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác mảng du lịch lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
So sánh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, chúng ta có lợi thế hơn nhiều, nhưng việc khai thác, quảng bá lại chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân của thực trạng trên, đặc biệt là đối với du khách quốc tế, có lẽ do công tác xúc tiến du lịch trong những năm qua chưa thực sự được coi trọng đúng mức.
Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Một trong những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài là xúc tiến du lịch và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa, khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch, thì công tác xúc tiến ở nước ngoài vô cùng quan trọng. Do vậy, tôi cũng mong muốn qua cuộc chất vấn này, Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra những cam kết, giải pháp mang lại hiệu quả cho lĩnh vực này.
Còn lĩnh vực bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài thì sao, thưa bà?
Đây cũng là một vấn đề nổi cộm, rất được quan tâm, làm thế nào để người dân Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ một cách tốt hơn nữa. Thời gian gần đây, tôi thấy có không ít trường hợp người dân Việt Nam, đặc biệt là người trẻ bị lừa đi lao động nước ngoài, nhưng lại phục vụ trong các sòng bạc, thậm chí các động mại dâm, gây rất nhiều hệ lụy. Vậy làm như thế nào để khuyến cáo được công dân Việt Nam? Tôi nghĩ, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao cũng rất lớn trong lĩnh vực này.
Tôi đọc báo thấy trong thời gian gần đây, liên tiếp có vụ việc học sinh lứa tuổi từ 15 - 18 mất tích một cách bí ẩn. Đấy cũng là một vấn đề vô cùng nhức nhối. Vì thế, Bộ Ngoại giao cũng cần có tiếng nói của mình và có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để có thể tham gia ngăn chặn được tình trạng này.
Cảm ơn bà.
Nguồn Báo điện tử Tiền Phong
Truy cập hôm nay: 311299
Tổng lượt truy cập: 56514295