4 đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao khó khăn khi tự bảo đảm chi thường xuyên
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại Nhà hát Chèo Hải Dương
Nguồn thu ít
Tháng 6 vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát tại 4 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm: Nhà hát Chèo Hải Dương, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương.
Qua giám sát cho thấy tình hình tài chính của 4 đơn vị có nhiều bất cập. Trong 4 đơn vị này, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương đang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 3 đơn vị còn lại tự bảo đảm chi thường xuyên toàn bộ. Cả 4 đơn vị đều phản ánh những khó khăn trong công tác tài chính, kế toán giai đoạn mới khi thực hiện các nhiệm vụ thu, chi tại đơn vị mình. Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh cho biết nguồn kinh phí được cấp theo đơn giá dịch vụ còn thấp, đơn giá dịch vụ được cấp từ năm 2019 đến nay không được tăng thêm. Trong khi đó, đơn vị này vẫn phải chi trả các khoản tăng lương, chi phí tăng thêm thuê mướn, mua vật tư hàng hóa.
Ở Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, rạp chiếu phim Thống Nhất đã dừng hoạt động từ lâu. Nơi này nhiều năm nay chỉ còn là một nhà kho với những bàn ghế cũ mục nát, bụi phủ kín, máy móc được đắp chiếu, phủ bạt. Nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến nay bằng 0 đồng. Đơn vị tự nhận thấy nguồn thu còn thấp, chủ yếu có vài trăm triệu đồng từ việc cho thuê tài sản công theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Với Nhà hát Chèo Hải Dương, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước giảm mạnh qua từng năm do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do dịch Covid-19. Năm 2018, đơn vị này thu được gần 1 tỷ đồng/năm thì đến năm 2020 chỉ còn hơn 358 triệu đồng, năm 2021 là 68,1 triệu đồng, năm 2022 gần 452,3 triệu đồng. Đơn vị không có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, liên kết. Hiện Nhà hát Chèo Hải Dương bị xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất, thiếu thốn về con người.
Là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương gặp khó do sự thay đổi trong công tác phân bổ định mức chi thường xuyên của tỉnh năm 2022 làm giảm nguồn ngân sách nhà nước giao. Bên cạnh đó, nguồn thu học phí còn thấp, chưa thực hiện xã hội hóa khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành thu, chi tài chính. Trường cũng không có nguồn thu từ hoạt động liên kết đào tạo. Thu nhập tăng thêm cho người lao động cũng năm có, năm không.
Rạp chiếu phim Thống Nhất đã dừng hoạt động từ lâu và không có nguồn thu
Hạn chế trong quản lý
Được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển nhưng 4 đơn vị này vẫn loay hoay, chỉ dựa vào nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công để chi tiêu vì công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Khi thành viên đoàn giám sát hỏi về mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên, có lãnh đạo đơn vị không nắm được đơn vị mình đang ở mức nào. Sau giám sát, một số thành viên cũng đánh giá công tác quản lý ở các đơn vị này còn hạn chế, có đơn vị không phát huy được tiềm năng để tăng thu. Có đơn vị mải mê làm các dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước để kiếm lợi nhuận mà không chú tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động chuyên môn của mình. Tại buổi giám sát ở Nhà hát Chèo Hải Dương, đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh việc giao tự chủ về bảo đảm chi thường xuyên giúp các đơn vị chủ động trong công tác chi tiêu nhưng phải quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt.
Đánh giá sau đợt giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hường cho rằng cần nâng cao năng lực quản trị của người đứng đầu các đơn vị để tăng sự linh hoạt, chủ động khi thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên. "Các đơn vị cần chú trọng nâng cao công tác quản lý, đổi mới tư duy để thích ứng với yêu cầu của thực tiễn thay vì chờ có chính sách từ cấp trên. Với những ưu thế sẵn có, cơ sở vật chất hiện có, các đơn vị cần chủ động đầu tư những phương tiện thiết yếu để cung cấp sản phẩm nghệ thuật hay, chất lượng đào tạo tốt để thu lợi nhuận và phát triển hơn", đồng chí Nguyễn Thị Hường đề nghị.
Trong báo cáo sau giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị một số đơn vị cần tăng cường mở rộng hợp tác, xã hội hóa, đa dạng hoạt động gắn với văn hóa, du lịch. Nếu 4 đơn vị làm tốt công tác quản lý để khai thác hết dư địa sẵn có trong ngành thì sẽ có nguồn thu để tạm thời giải quyết bài toán thiếu kinh phí.
Nguồn Báo điện tử Hải Dương
Truy cập hôm nay: 317471
Tổng lượt truy cập: 65946544