Sớm tháo gỡ vướng mắc khi sáp nhập
Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương giám sát về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ (ảnh tư liệu)
Hội nghị triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025 do UBND tỉnh tổ chức sáng 25.8 vừa qua đã triển khai nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công việc quan trọng này, góp phần tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động trước vấn đề tác động sâu rộng tới đội ngũ cán bộ và nhân dân ở cấp cơ sở. Qua triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng nhiều hướng dẫn cụ thể của các sở, ngành liên quan, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã đã bày tỏ thống nhất cao về việc triển khai sáp nhập, đồng thời cũng nêu nhiều khúc mắc, khó khăn, kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ.
Công tác cán bộ liên quan tới sáp nhập được nhiều đại biểu tham luận. Thực tế cho thấy việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã, viên chức và người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động chuyên trách tại các thôn, khu dân cư bị dôi dư do sáp nhập là vấn đề “nóng”. Nếu giải quyết không tốt vấn đề này sẽ khó tạo được ổn định, đồng thuận.
Tại huyện Ninh Giang đã từng xảy ra trường hợp ông Phí Công Đế, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoàng Hanh (cũ), nay là xã Tân Quang phản ánh sau gần 3 năm kể từ khi sáp nhập xã nhưng ông chưa được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 13.12.2019 của HĐND tỉnh. Sau khi báo Hải Dương có bài phản ánh và cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, trường hợp của ông Đế mới được giải quyết dứt điểm.
Giữa năm 2022, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương đã giám sát tình hình hoạt động của các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập giai đoạn 2019-2021. Theo kết quả giám sát, năm 2019, toàn tỉnh đã sáp nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 25 đơn vị, giảm 30 đơn vị. So với trước khi sáp nhập, các địa phương đã giảm 60 đầu mối cơ quan hành chính, 180 đầu mối cơ quan khối Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và 315 cán bộ, công chức, 444 người hoạt động không chuyên trách. Sau sáp nhập cũng giảm được 30 trường học và 30 trạm y tế. Việc giải quyết với những người dôi dư do sáp nhập được thực hiện đúng quy định. Trong 315 cán bộ, công chức dôi dư có 116 người được giải quyết nghỉ hưu theo chế độ, 107 người nghỉ theo diện tinh giản biên chế, 84 người đã bố trí điều động sang đơn vị hành chính khác, 8 người được tuyển dụng thành công chức cấp huyện. Tất cả 410 người người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc diện dôi dư đã được giải quyết nghỉ việc đúng quy định.
Dự kiến với 60 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập giai đoạn 2023-2025, số lượng cán bộ, công chức cấp xã, viên chức và người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động chuyên trách bị dôi dư cũng khá nhiều. Nhiều người đã có nhiều năm công tác, tâm huyết, muốn tiếp tục được ở lại làm việc song vì việc chung nên phải nghỉ việc, chuyển đổi tìm việc làm khác, cuộc sống sẽ gặp một số khó khăn. Do đó, ngoài các chế độ hỗ trợ theo quy định hiện hành, nhiều người mong muốn tỉnh cần có những hỗ trợ đặc thù để giúp họ ổn định cuộc sống.
Ở một khía cạnh khác, đến nay, một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở giai đoạn trước vẫn chưa được giải quyết xong. Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương cho thấy dự kiến đến năm 2024, toàn tỉnh còn 122 cán bộ, công chức diện dôi dư phải giải quyết. Như vậy, hiện xuất hiện tình trạng khó khăn kép vì số lượng người dôi dư giai đoạn trước chưa xử lý xong theo quy định thì lại phải tiếp tục giải quyết người dôi dư giai đoạn này. Đây là một khó khăn, vướng mắc cần kiên quyết xử lý sớm.
Tại hội nghị triển khai của tỉnh, nhiều vấn đề khác đã được nêu ra như tỉnh cần hướng dẫn các địa phương xác định rõ thời điểm tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị phải sắp xếp; việc rà soát, kiểm tra, bàn giao nợ xây dựng cơ bản giữa các xã trước khi sáp nhập phải chặt chẽ, đúng quy định, tránh phát sinh khiếu kiện như đã từng xảy ra; kiên quyết xử lý vi phạm những cán bộ thu phí, lệ phí giấy tờ của nhân dân khi phải chuyển đổi, chỉnh sửa do thay đổi địa giới đơn vị hành chính…
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên cần sớm được các cơ quan chức năng quan tâm xem xét, tháo gỡ để công việc sáp nhập thuận lợi, hiệu quả.
Nguồn Báo điện tử Hải Dương
Truy cập hôm nay: 310857
Tổng lượt truy cập: 55580634