Cán bộ, cử tri Hải Dương đồng tình, kỳ vọng về Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương, 260 điều. Cùng với cử tri cả nước, nhiều cán bộ, đại biểu Quốc hội, cử tri Hải Dương đồng tình và đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Luật được thông qua khi đã đủ "chín"
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến mọi mặt, đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp. Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng qua 3 kỳ họp, lấy ý kiến toàn dân với 12 triệu ý kiến và được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 khi đã đủ "chín".
Tôi quan tâm tới nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp ở khoản 9 điều 60. Tôi đồng tình nguyên tắc, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tuân thủ nguyên tắc chung của pháp luật về quy hoạch, kế thừa quy định hiện hành, những nội dung được đúc kết qua giám sát chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch tại Nghị quyết số 61/2022/QH15. Quy định theo hướng này bảo đảm được sự đồng bộ thống nhất, ổn định của hệ thống quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ đối với đất đai. Các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt, tránh chậm trễ như thời gian qua.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) còn có các nội dung đáng chú ý về cấp giấy chứng nhận cho gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (khoản 3 điều 138); tiền thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 điều 153); hoạt động lấn biển (điều 190).
Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường là bước đột phá lớn
Sáng 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều. 18 nội dung được đã được thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện, trong đó có nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Theo quy định hiện hành, khung giá đất là giá do Nhà nước quy định, ban hành định kỳ 5 năm một lần. Đây là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố căn cứ xây dựng và công bố, áp dụng bảng giá đất ở từng địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường đất đai đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hoặc tính giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá do Nhà nước quy định. Quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai.
Có thể khẳng định Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp của đất nước và của tỉnh Hải Dương. Với nhiều điểm mới quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, rất kỹ lưỡng, Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và của tỉnh trong giai đoạn mới.
Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương
Gỡ khó cho địa phương, thúc đẩy khai thác nguồn lực đất đai
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung, đồng bộ về cơ sở hạ tầng của tỉnh, huyện Ninh Giang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất, thuê đất để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên do nhiều bất cập trong quy định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của Luật Đất đai năm 2013 chưa được cụ thể hoá dẫn đến các dự đầu tư được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện còn thấp.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bảo đảm công khai, minh bạch trong thực hiện, bình đẳng trong tiếp cận, phù hợp với cơ chế thị trường. Cùng với đó, luật quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích và phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, hoàn thiện hơn quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai trên thực tiễn, góp phần khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của tỉnh Hải Dương và huyện nhà trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang
Thuận lợi hơn trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất
Chúng tôi quan tâm 2 vấn đề là những danh mục, dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất và sự thay đổi trong việc xác định đơn giá Nhà nước thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho doanh nghiệp.
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng chưa rõ ràng, dẫn đến trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, một số người dân không hiểu rõ quy định nên đòi hỏi thỏa thuận bồi thường. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định rõ 31 trường hợp nhà nước thu hồi đất rất rõ ràng cho doanh nghiệp, người dân dễ hiểu hơn. Việc quy định rõ các nhóm đối tượng, dự án được Nhà nước thu hồi đất sẽ giúp công khai, minh bạch, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án.
Tôi kỳ vọng vào Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ sớm đi vào cuộc sống, các cấp ngành sớm hoàn thiện các nghị định, thông tin hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn giúp cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Khuyến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Newland chi nhánh Hải Dương
Nguồn Báo điện tử Hải Dương
Truy cập hôm nay: 310858
Tổng lượt truy cập: 55580635