CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VIỆC NIÊM YẾT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NGAY TẠI BẤT ĐỘNG SẢN ĐẤU GIÁ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 08/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Tại phiên họp tổ 14, các đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ việc niêm yết đấu giá tài sản ngay tại bất động sản đấu giá.
Toàn cảnh phiên họp
Tổ 14 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp.
Tham gia thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan…
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành liên quan cũng như các dự án Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.
Đa số ý kiến đồng tình với dự thảo Luật quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có “điểm quét” trong các quy định của luật, vì nếu không, khi phát sinh các trường hợp khác nằm ngoài các trường hợp đã liệt kê, cũng chưa từng được pháp luật quy định thì có thể sẽ dẫn đến lỗ hổng, không bảo đảm khả thi khi thực hiện.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc cũng đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát kỹ quy định về việc người có tài sản đấu giá, xem xét người tham gia đấu giá. Bởi, với cá nhân riêng lẻ có tài sản đấu giá thì rất khó thực hiện quy định này, mà tổ chức thực hiện đấu giá phải thực hiện xem xét, sàng lọc đối với người tham gia đấu giá, bảo đảm có thể thực hiện được nghĩa vụ sau đấu giá.
Ngoài ra, về niêm yết tài sản đấu giá, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, hiện đang có sự bất cập khi triển khai thi hành luật, người có tài sản và tổ chức đấu giá có vướng mắc về niêm yết tài sản, nhất là về bất động sản. Do đó, đề nghị cần sửa đổi quy định đối với tài sản bất động sản, theo đó, tổ chức hành nghề đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại chính bất động sản đấu giá.
Để tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp đại học tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, dự thảo Luật đã bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng đối với đấu giá viên nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận đấu giá viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Các đại biểu tại phiên họp
Có ý kiến cho rằng, cần đánh giá tác động của việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp, bởi vì nếu bỏ quy định về miễn đào tạo sẽ không thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, trong giai đoạn trước đây khi lực lượng đấu giá viên còn thiếu đã phải sử dụng rất nhiều những cán bộ đã nghỉ hưu từ các ngành, nghề khác nhau như là thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên và được miễn thời gian đào tạo.
Theo đai biểu Bùi Sỹ Hoàn, trên thực tế, những cán bộ này khi thực hiện nghề nghiệp đấu giá viên thì chuyên mốn chưa đạt yêu cầu. Đơn cử như điều tra viên chuyển chỉ làm ở khía cạnh hình sự khi chuyển sang đấu giá mà không vượt qua qua đào tạo thì gặp rất nhiều khó khăn. Những kiến thức có được chỉ là vay mượn chứ không qua khóa đào tạo chính quy một cách bài bản.
Do đó, việc bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là rất cần thiết.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp
Các đại biểu tại phiên họp
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cần bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung trọng tâm của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản./.
Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội
Truy cập hôm nay: 312707
Tổng lượt truy cập: 59011010