Logo
 

Chỉ 10% số người thực hiện môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lo lắng trước thực trạng người dân không tin "cò" môi giới bất động sản nhưng vẫn sập bẫy như thường trong thời gian qua.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết cả nước hiện có trên 300.000 tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản

Chiều 19.6, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2 Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án luật quan trọng này. 3 đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã góp ý vào dự thảo.

Thị trường hỗn loạn vì "cò" không chứng chỉ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), thị trường bất động sản thời gian qua có những biến động rất phức tạp do vai trò của đội ngũ môi giới bất động sản. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có trên 300.000 tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản nhưng chỉ có khoảng 30.000 đối tượng đã được đào tạo và cấp chứng chỉ.

"Rõ ràng, chỉ khoảng 10% số người thực hiện môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ. Chính vì đội ngũ không được cấp chứng chỉ này và chúng ta không quản lý được khiến cho thị trường bất động sản hỗn loạn. Trên 90% số tổ chức, cá nhân tự phát môi giới bất động sản mà người dân gọi nôm na là "cò" đã thổi giá, tạo giao dịch ảo, làm rối loạn thị trường bất động sản mà cứ nói đến "cò" bất động sản thì người dân không tin cậy nhưng vẫn sập bẫy như thường", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bức xúc.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) chỉ ra những điểm chồng chéo, mâu thuẫn trong dự thảo luật

Qua rà soát dự thảo luật lần này, đại biểu Việt Nga nhận thấy quy định về môi giới bất động sản đã chặt chẽ hơn nhưng chưa rõ cơ quan quản lý đội ngũ môi giới bất động sản ở các địa phương. Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn theo hướng giao một cơ quan là Sở Xây dựng các địa phương quản lý đội ngũ môi giới bất động sản và có các chế tài rõ ràng, kiểm tra thường xuyên để mỗi khi người dân tìm đến đội ngũ môi giới bất động sản thì có niềm tin hơn.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cũng đã chỉ ra những điểm chồng chéo, mâu thuẫn trong khái niệm hoạt động tư vấn bất động sản, kinh doanh bất động sản, đối tượng áp dụng, điều kiện hành nghề... Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung và bỏ một số điều không phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) góp ý 6 nội dung vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Quy định chặt cơ sở pháp lý các loại hình bất động sản mới

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản tại thời điểm này cùng với việc sửa nhiều luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đại biểu  Sơn cho biết hiện nay cơ sở pháp lý cho các loại hình mới như bất động sản công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giải trí đều chưa rõ ràng, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước. Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, bất đồng.

Để hoàn thiện hơn dự án luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đã góp ý 6 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi trong dự thảo luật như rà soát, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với các luật khác, các nội dung quy định đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bổ sung việc điều chỉnh bất động sản nghĩa trang vào dự thảo luật...

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu tại hội trường sáng cùng ngày về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Xem xét khái niệm nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Sáng cùng ngày, phát biểu tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa ( Hải Dương) đề nghị cần bảo đảm quy định phù hợp với Hiến pháp, thống nhất với Bộ luật Dân sự và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đóng góp ý kiến về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết pháp luật không quy định chế độ sở hữu nhà nước mà quy định sở hữu toàn dân. Trong khi đó, dự thảo luật này đang quy định nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trong nhóm quy định về sở hữu nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, về mặt khái niệm sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân trong quy định của dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Hiến pháp quy định rõ nhà ở được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công. Đại biểu Mai Thoa đề nghị quy định rõ ràng hơn tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công và phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài sản công.

Nguồn Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 4
Truy cập hôm nay: 324208
Tổng lượt truy cập: 74943082