Có nên duy trì Quỹ viễn thông công ích đang tồn hơn 5.400 tỷ đồng?
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường sáng 22.6. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Sáng 22.6, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu góp ý về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy quy định về quỹ này tại điều 33 kế thừa toàn bộ quy định của Luật Viễn thông năm 2014 và không có nội dung nào sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên duy trì quỹ này hay không. Theo đại biểu Việt Nga, cần đánh giá kỹ hoạt động của quỹ này để có ý kiến chính xác nhất và sửa đổi luật cho hợp lý.
"Tôi đã đọc kỹ hồ sơ dự án luật nhưng tiếc là không tìm thấy thông tin về hoạt động của quỹ từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông mà chỉ có báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có một vài con số liên quan ở phần chú thích. Ngay cả trong tờ trình của Chính phủ hay báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông của Bộ cũng không có nội dung tổng kết về quỹ, tờ trình của Chính phủ chỉ nêu nguyên nhân nên duy trì quỹ. Tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình thêm về nội dung này", đại biểu Việt Nga đề nghị.
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được hình thành từ các nguồn đóng góp từ doanh thu của doanh nghiệp viễn thông; viện trợ, tài trợ, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Đại biểu Việt Nga cho rằng do chưa có báo cáo của Bộ nên không đánh giá rõ được bao nhiêu % số tiền quỹ thu được là ngoài đóng góp của doanh nghiệp viễn thông. Nếu chủ yếu là tiền thu từ doanh nghiệp viễn thông theo tỷ lệ doanh thu mà đây thực chất như một hình thức nộp thuế thì số tiền này nên nộp về Nhà nước để quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn.
Dẫn số liệu từ báo cáo thẩm tra, đại biểu Việt Nga cho biết giai đoạn 2016 - 2022, tổng số thu của quỹ đạt gần 8.200 tỷ đồng nhưng chỉ chi hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chi cho tổ chức, bộ máy khá lớn. Số tiền tồn dư trong quỹ là hơn 5.400 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động của quỹ chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Tờ trình của Chính phủ nêu "khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ. Các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư quỹ".
Đại biểu Việt Nga cho rằng đây chưa phải giải pháp khả thi vì nguồn thu chính của quỹ là từ phần trăm doanh thu của doanh nghiệp viễn thông. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có doanh thu thì phải nộp quỹ, nếu không thu quỹ để tránh tồn dư thì sẽ không thu của những doanh nghiệp nào, đến lúc có nhiệm vụ chi thì có thu hay không, khi có các nguồn tài trợ tự nguyện mà chưa có nhiệm vụ chi thì có tiếp nhận hay không?
Quy định về quỹ trong dự thảo luật còn quá chung chung, hoạt động của quỹ thời gian qua còn nhiều bất cập nhưng lại không được chỉ rõ để xác định có nên tiếp tục duy trì quỹ hay không? Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga một lần nữa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ để đi đến chỉnh sửa, bổ sung dự thảo luật cho hợp lý nhất.
Nguồn Báo điện tử Hải Dương
Truy cập hôm nay: 310862
Tổng lượt truy cập: 55580639