Logo
 

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: MONG CHỜ LỜI CAM KẾT VÀ LỘ TRÌNH GIẢI QUYẾT RÕ RÀNG TỪ CÁC TƯ LỆNH NGÀNH

Ngày mai (4/6), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương kỳ vọng và mong chờ các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có những cam kết cùng lộ trình rõ ràng để giải quyết những vấn đề “nóng” đặt ra, nhất là trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Theo chương trình, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 04-06/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá thế nào về ý nghĩa của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội thời gian qua?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi và cử tri đánh giá rất cao hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua của Quốc hội.

Về bản chất, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội là một trong những hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, Nhân dân quan tâm theo dõi.

Những vấn đề “nóng” được lựa chọn chất vấn dưới hình thức “hỏi nhanh- đáp gọn” trong giới hạn thời gian ngắn đã tạo nên sức hấp dẫn của hoạt động này. Qua câu hỏi chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã chuyển tải đến các bộ trưởng, trưởng ngành mọi vấn đề mà cử tri quan tâm nhất xoay quanh lĩnh vực đó. Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế đang tác động không tốt đến cuộc sống của Nhân dân. Người trả lời chất vấn sẽ cung cấp thông tin, xác minh vấn đề, xác định trách nhiệm và đưa ra giải pháp, cam kết để giải quyết những tồn tại, những vướng mắc đang hiện hữu.

Có thể nói những cam kết của người trả lời chất vấn là điều cử tri mong chờ nhất từ Phiên chất vấn. Cam kết đó sẽ ràng buộc trách nhiệm của các vị tư lệnh ngành và là căn cứ để Quốc hội và cử tri đánh giá mức độ hoàn thành trọng trách của các tư lệnh ngành.

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội xác định những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những kết quả, ưu điểm nổi trội. Đây cũng là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội và cử tri tiếp tục giám sát các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nhiệm vụ và lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri.

Tôi cho rằng, qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua của Quốc hội, nhiều vấn đề “nóng” đã tìm được giải pháp để giải quyết, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, nhiều nguyện vọng, mong mỏi của cử tri được đáp ứng. Đó chính là lý do vì sao cử tri và Nhân dân luôn theo dõi rất sát hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Phóng viên: Đại biểu có nhìn nhận như thế nào về các nội dung, vấn đề được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 này? Bà quan tâm đến những nội dung, vấn đề nào?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi thấy 04 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 lần này đều là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chứa đựng nhiều vấn đề nổi cộm ở thời điểm hiện nay. Tất nhiên bất cứ lĩnh vực nào cũng đều quan trọng cả, nhưng tùy từng thời điểm cụ thể mà xác định những vấn đề “nóng”, những lĩnh vực đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tôi quan tâm nhất đến lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trong 04 nhóm vấn đề sẽ được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Bởi lẽ, lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là lĩnh vực rất rộng, bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, từ tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường… Và hiện nay đang có rất nhiều vấn đề đặt ra với lĩnh vực này. Cụ thể như có nhiều luật về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội ban hành và sắp có hiệu lực như Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai (sửa đổi)… rất cần sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng; những Luật đã có hiệu lực nhưng trong thời gian thi hành ngắn ngủi đã phát sinh nhiều vướng mắc như Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ năm 2022)...

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất bức thiết hiện nay. Môi trường nước, không khí đang bị ô nhiễm nặng nề, nhất là ở các khu đô thị lớn, các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống của người dân, là căn nguyên phát sinh nhiều hệ lụy: bệnh tật, suy giảm kinh tế, khiếu kiện… Rồi vấn đề khai thác tài nguyên (đặc biệt là tài nguyên làm vật liệu xây dựng, san lấp) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Với những lý do đó, tôi cho rằng, trọng trách của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này là rất lớn. Chính vì vậy, không chỉ tôi mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đều đang rất quan tâm đến lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng như thế nào ở các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 7 này?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Kỳ vọng của tôi cũng như đông đảo cử tri về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này là các đại biểu Quốc hội đề cập thẳng thắn đến những vấn đề trọng tâm, những “điểm nóng”, những vướng mắc, khó khăn, nổi cộm ở từng lĩnh vực. Và các vị bộ trưởng, trưởng ngành sẽ không né tránh trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, cam kết cùng lộ trình rõ ràng để giải quyết những vấn đề được đặt ra.

Đồng thời, cần tránh tối đa việc báo cáo thành tích vì thời gian trả lời chất vấn cho mỗi nhóm câu hỏi là rất ngắn. Do vậy, hàm lượng thông tin trong câu trả lời phải thực sự cao, súc tích.

Cử tri cũng không mong chờ sự thừa nhận trách nhiệm chung chung cho có, mà chờ đợi những giải pháp khả thi. Và quan trọng nhất là việc giám sát sau chất vấn. Cử tri và các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành trong Phiên chất vấn, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá uy tín và năng lực của các vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội

Đang trực tuyến: 3
Truy cập hôm nay: 324209
Tổng lượt truy cập: 74943083