ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: PHIÊN CHẤT VẤN LÀ CƠ HỘI ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN VIỆC THỰC HIỆN CAM KẾT CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH TRONG LĨNH VỰC PHỤ TRÁCH
Trao đổi trước thềm Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có nhiều đổi mới so với các kỳ họp trước, đây là cơ hội để đánh giá toàn diện về nỗ lực của các Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng như việc thực hiện lời hứa, cam kết trong lĩnh vực phụ trách. Qua đó, giúp nhận diện những hạn chế, yếu kém..., quyết liệt tháo gỡ những tồn tại, yếu kém đó và đề ra giải pháp trong thời gian tới.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, từ ngày 6/11 đến sáng 8/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Trước thềm Phiên chất vấn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương xoay quanh phiên họp quan trọng này, trong đó nhấn mạnh một số điểm mới của Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 cũng như kỳ vọng phiên chất vấn sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, nhận diện những yếu kém, thiếu sót..., quyết liệt tháo gỡ những tồn tại, yếu kém đó, đề ra giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có nhiều đổi mới
Phóng viên: Ngày 6/11 tới, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đại biểu đánh giá như thế nào về phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có điểm gì khác so với các kỳ họp trước?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Phiên chất vấn tại Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới và đặc biệt hơn so với các phiên chất vấn thông thường ở những điểm sau:
Thứ nhất, về thời điểm chất vấn:
Kỳ họp 6 là kỳ họp bản lề, khép lại nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và cũng là nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là thời điểm chúng ta nhìn nhận lại để đánh giá những kết quả đã nỗ lực đạt được trong nửa nhiệm kỳ, những tồn tại, hạn chế, yếu kém và phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó; trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể để tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.
Thứ 2, về nội dung chất vấn:
Với sự đặc biệt trong thời điểm tiến hành hoạt động chất vấn, nội dung chất vấn cũng có nhiều đặc biệt. Ở các kỳ họp khác, những nội dung chất vấn thuộc các nhóm vấn đề sẽ được đưa ra xin ý kiến các ĐBQH và các ĐBQH sẽ lựa chọn nội dung chất vấn trên cơ sở các nhóm vấn đề đó (thường là 4 nhóm vấn đề có số ĐBQH lựa chọn nhiều nhất sẽ được đưa vào chương trình chất vấn).
Tuy nhiên, tại Kỳ họp 6, không có nhóm vấn đề nào được đưa vào lựa chọn mà tất cả các thành viên của Chính phủ đều là đối tượng chất vấn. Nội dung chất vấn là “việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết Kỳ họp 4”. Nghĩa là nội hàm của phiên chất vấn rất rộng, bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hết Kỳ họp 4 khoá XV.
Thứ 3, về hình thức chất vấn:
Hình thức chất vấn tại Kỳ họp 6 cũng khá đặc biệt. Bởi nội dung rất bao trùm nên mỗi phiên chất vấn sẽ có một số thành viên Chính phủ luân phiên trả lời theo các câu hỏi chất vấn của ĐBQH chứ không bố trí mỗi buổi một thành viên của Chính phủ trả lời như những phiên chất vấn thông thường, nghĩa là theo hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”, tập trung vào những nội dung trọng điểm nhất xoay quanh việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tất cả các lĩnh vực, trong đó chia theo 4 nhóm lĩnh vực.
Đổi mới trong hoạt động chất vấn nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của ĐBQH trong hoạt động giám sát
Phóng viên: Vậy việc đổi mới phiên chất vấn tại Kỳ họp này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh phiên chất vấn được tiến hành thực hiện giữa nhiệm kỳ, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Một điểm mới của hoạt động chất vấn lần này là Quốc hội tiến hành chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực, chia theo 4 nhóm lĩnh vực gồm: (1) nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); (2) nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); (3) nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội; (4) nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.
Sự đổi mới trong hoạt động chất vấn thể hiện rõ tinh thần đổi mới sáng tạo trong hoạt động của Quốc hội; và là sự giám sát sâu sắc, triệt để, trách nhiệm cao. Nội dung chất vấn liên quan đến cả việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội từ khoá XIV, trong khi có những vị Bộ trưởng đến khoá XV mới giữ trọng trách thành viên Chính phủ, trưởng các Bộ ngành. Điều này đòi hỏi các Bộ trưởng phải thực sự sát sao, tâm huyết, trách nhiệm cao; không những nắm chắc những nhiệm vụ mình đã và đang triển khai mà còn phải nắm chắc những nhiệm vụ của ngành, của lĩnh vực mình phụ trách trong cả một giai đoạn.
Hoạt động chất vấn này cũng đòi hỏi các ĐBQH nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát. Có một số ĐBQH khoá XV tái cử, nghĩa là đã tham gia làm nhiệm vụ ĐBQH từ khoá XIV, nhưng có nhiều ĐBQH mới tham gia lần đầu từ khoá XV. Chất vấn những nội dung liên quan đến thực hiện Nghị quyết của Quốc hội từ khoá XIV yêu cầu các ĐBQH phải theo dõi rất sát hoạt động của các bộ ngành, của cá nhân các thành viên Chính phủ, nắm chắc các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ Quốc hội khoá XIV đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để có thể tiến hành chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao.
Ngày mai (6/11), Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Với sự đổi mới như vậy, tôi đánh giá phiên chất vấn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng đúng với tinh thần "từ sớm, từ xa" của Quốc hội. Hầu hết các báo cáo của Chính phủ liên quan đến phiên chất vấn đều được gửi đến các ĐBQH từ khá sớm. Và tôi đánh giá cao nội dung các báo cáo đã bám rất sát yêu cầu của phiên chất vấn, trình bày một cách rõ ràng, khoa học; đánh giá thẳng thắn những kết quả cũng như những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có bộ ngành còn gửi báo cáo muộn. Sát ngày diễn ra phiên chất vấn ĐBQH vẫn chưa nhận được báo cáo. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của phiên chất vấn.
Đánh giá toàn diện việc thực hiện lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành
Phóng viên: Với những phân tích nêu trên, đại biểu kỳ vọng gì về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước và sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Tôi cũng như nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước đều hy vọng qua phiên chất vấn này một lần nữa chúng ta có cái nhìn, sự đánh giá toàn diện về sự nỗ lực của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành cũng như việc thực hiện lời hứa, cam kết trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Và điều quan trọng nhất là phiên chất vấn sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, nhận diện những yếu kém, thiếu sót..., quyết liệt tháo gỡ những tồn tại, yếu kém đó, đề ra giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc lấy phiếu tín nhiệm, phiên chất vấn cũng là cơ hội "lửa thử vàng" để thấy rõ tâm huyết, trách nhiệm, tài năng và bản lĩnh của các thành viên Chính phủ.
Tôi quan tâm nhiều đến lĩnh vực văn hoá, giáo dục, là hai lĩnh vực thuộc chuyên môn sâu của bản thân, và cũng là hai lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là những lĩnh vực mà đông đảo nhân dân và cử tri quan tâm.
Chắc chắn trong phiên chất vấn, nếu đăng ký được, tôi sẽ chất vấn các nội dung này gắn với các Nghị quyết của Quốc hội từ khoá XIV đến hết Kỳ họp 4 của Quốc hội khoá XV.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.
Nguồn Cổng TTĐT Quốc hội
Truy cập hôm nay: 315345
Tổng lượt truy cập: 63096966