Hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, bảo đảm tính hấp thụ nhanh, đúng mục tiêu
Đánh giá cao kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Sau giám sát, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra nhằm hoàn thiện và nâng cao hơn chất lượng xây dựng chính sách, bảo đảm tính hấp thụ nhanh và đúng mục tiêu.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh): Tiếp tục thực hiện những chính sách phát huy hiệu quả
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề đã đánh giá khá đầy đủ, chi tiết, cụ thể kết quả thực hiện của từng chính sách, nội dung của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Báo cáo kết quả giám sát đã nêu rất rõ những thành tựu và hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các nghị quyết, những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Báo cáo đã cung cấp rất nhiều thông tin cho đại biểu và trên nghị trường các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đi vào chiều sâu nhằm tiếp tục đúc rút ra nhiều kinh nghiệm cho việc thiết kế chính sách sau này sẽ đi vào cuộc sống tốt hơn, mang lại kết quả, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: T. Chi
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện áp dụng chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn cả nước phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã có tác động tích cực trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, giúp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân. Đối với những chính sách mang lại hiệu quả như chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục thực hiện. Đối với những chính sách không đạt kết quả, mục tiêu đề ra thì nên chấm dứt để nghiên cứu dư địa, chuyển nguồn cho thiết kế những chính sách mới hoặc cho những chính sách hiện hữu, như hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hoặc hỗ trợ cho người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội.
Thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo hơn thực tiễn trước khi thiết kế, đề xuất chính sách và cần chú trọng đánh giá tác động kỹ lưỡng các chính sách trước khi xây dựng các chính sách hỗ trợ để chính sách sau khi được ban hành thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng và hiệu quả mong muốn.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương): Bài học rút ra là nguồn lực phải hấp thu ngay trong giai đoạn áp dụng chính sách đặc thù
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã thể hiện rất đầy đủ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các Nghị quyết quan trọng này.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, tôi đặc biệt ấn tượng với hai chính sách: giảm thuế VAT và chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ đối tượng thụ hưởng vượt qua khó khăn, trở lại hoạt động bình thường.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương). Ảnh: H. Ngọc
Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, không phát huy hiệu quả như Báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra là: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa thực hiện giải ngân được như dự kiến, việc giải ngân các dự án đầu tư phát triển chưa đạt như kỳ vọng…
Với các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, có nhiều cơ chế đã phát huy tác dụng, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng vẫn còn những hạn chế như công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của một số dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm trễ; có dự án thiếu nguyên vật liệu… Đáng buồn là dù cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, nhưng tháo gỡ vướng mắc vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do vậy, cần nhanh chóng khắc phục hạn chế, vướng mắc và áp dụng các giải pháp mà Đoàn giám sát đã chỉ ra trong Báo cáo.
Thông qua Báo cáo của Đoàn giám sát và kết quả phiên thảo luận, tôi cho rằng, bài học cần rút ra đó là, khi thiết kế chính sách phải phù hợp với thực tiễn và nguồn lực phải được hấp thu ngay trong giai đoạn áp dụng chính sách đặc thù. Điều cần lưu ý là, áp dụng chính sách đặc thù không phải là việc thay thế hệ thống pháp luật đã ổn định, mà chỉ giúp chính sách, pháp luật được thực hiện ở ngay thời điểm chúng ta mong muốn. Cụ thể, Nghị quyết số 43/2022/QH15 chỉ áp dụng trong 2 năm, sau đó phải trở lại hệ thống pháp luật bình thường. Trường hợp áp dụng cơ chế đặc thù có hiệu quả thì tổng kết, đánh giá sửa đổi luật, tránh trường hợp áp dụng cơ chế đặc thù mang tính thúc đẩy như Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà lại kéo dài thêm 2 - 3 năm nữa thì không phù hợp. Do vậy, xây dựng chính sách phải bảo đảm tính hấp thụ nhanh và đúng mục tiêu mà Nghị quyết, chính sách đưa ra.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng): Chủ động sử dụng chính sách tài khóa, thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội ban hành năm 2022 với gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó, gói hỗ trợ tài khóa chiếm phần lớn Chương trình. Nhiều kết quả nổi bật đạt được sau 2 năm triển khai như: các gói hỗ trợ giảm thuế đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát giai đoạn 2021 - 2023, trung bình vẫn ở mức 3,25%; gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; ngân sách các cấp đã chủ động bảo đảm nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng). Ảnh: M. Trang
Mặc dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế và đã được Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra. Đơn cử, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ giải ngân được khoảng 3,05%. Vấn đề vướng mắc không phải nằm ở bản thân chính sách mà do công tác tổ chức thực hiện chưa thật sự quyết liệt, và một phần vì cách hiểu còn tương đối thận trọng với Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã dẫn đến việc triển khai rất chậm gói hỗ trợ. Điều này khiến cho một chính sách rất có ý nghĩa, có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cuối cùng lại chưa được thực hiện một cách đúng đắn và phát huy hiệu quả.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 - 2025 có vai trò quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2025. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, chính sách tài khóa cần được sử dụng cùng với các chính sách kinh tế khác và với quá trình cải cách thể chế nói chung, bên cạnh đó là kết hợp kích thích đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn Báo Đại biểu Nhân dân
Truy cập hôm nay: 315350
Tổng lượt truy cập: 63096971