Phát triển văn hóa không chỉ là dành bao nhiêu ngân sách, làm những việc gì
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng
Văn hoá mới được quan tâm nhiều ở vỏ bên ngoài
Sáng 30.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, với chương trình nông thôn mới, báo cáo giám sát chỉ rõ có hai tiêu chí đã vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo và tiêu chí 16 về văn hóa
Theo đại biểu, đây là điều đáng mừng, vì từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2022, chúng ta đang nỗ lực cao nhất tập trung nguồn lực và sự quan tâm để phát triển văn hoá.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, dường như văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa, hoặc mới chỉ được quan tâm nhiều đến tính chất phong trào (số lượng làng, khu dân cư văn hoá) chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật qua từng năm 2021, 2022, 2023, đại biểu thấy rằng tội phạm về trật tự - xã hội đều có xu hướng tăng.
Trong đó những tội phạm thể hiện rõ nhất sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giết người… đều tăng. Gần đây vẫn tiếp tục diễn ra các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em, giết người bằng những thủ đoạn tàn độc gây rúng động dư luận.
Bên cạnh đó, các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời; bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trở thành mối lo lớn…
"Tất cả những điều đó có liên quan đến văn hóa không? Câu trả lời là có. Là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu", đại biểu nói.
Làm thế nào để văn hóa được chú trọng để có sự chuyển biến về chất thực sự, đại biểu cho rằng không phải chỉ đơn thuần là việc chúng ta dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ VHTTDL làm những việc gì.
Theo đại biểu, chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa vẫn được coi là việc của ngành văn hóa thì chừng đó phát triển văn hóa còn khó khăn. Mỗi cá nhân phải coi chính bản thân mình, hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh, thì chừng đó mới có sự chuyển biến về chất.
Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa trong khi chúng ta đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết, từ cấp Trung ương tới cơ sở.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phạm Đông
Xây dựng nông thôn mới vẫn còn nặng thành tích
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, chương trình mục tiêu Quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng được cử tri, nhân dân hưởng ứng, tán đồng.
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành các tiêu chí phù hợp; giải ngân chậm, chưa thực sự bền vững và còn nặng tính thành tích.
Bên cạnh đó cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa; khắc phục tình trạng tự mãn khi đã hoàn thành nông thôn mới không duy trì các tiêu chí, nâng cao đời sống người dân.
Về chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu cho rằng sự phối hợp giữa trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; thực trạng giải ngân vốn đạt thấp, dưới 50% làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội.
Đại biểu đề nghị khắc phục các tình trạng này để góp phần giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công văn đến Bộ VHTTDL đánh giá dự thảo mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách trung ương mà chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư của chương trình 350.000 tỉ đồng trong 11 năm (2025 - 2035). Phát biểu tại tổ ngày 24.10, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết Đảng, Nhà nước đã giao bộ là cơ quan chủ trì xây dựng cho được Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Về con số 350.000 tỉ đồng, theo ông Hùng, được tổng hợp từ các địa phương và đây là con số khái quát, còn phải lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn để tính toán. "Nhiều khi không hiểu, chưa có thông tin đầy đủ sẽ đặt câu hỏi Bộ VHTTDL làm gì mà cần 350.000 tỉ đồng, trong lúc đất nước còn khó khăn lấy đâu ra. Tôi nói rõ số tiền này không phải lấy cho bộ", ông Hùng nói. |
Nguồn Báo Lao động
Truy cập hôm nay: 310855
Tổng lượt truy cập: 55580632