Quản chặt hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho biết không ít tai nạn đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến việc đưa đón học sinh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 24/11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Không ít tai nạn đã xảy ra
Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đồng tình cần thiết tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đánh giá cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân định hợp lý các nội dung của 2 dự án luật.
Tuy nhiên, còn một số quy định đang đồng thời có ở cả 2 dự án luật. Do đó, cần tiếp tục rà soát để không bỏ sót nhưng cũng không trùng lặp.
Quan tâm đến hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng việc quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Bởi thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến việc đưa đón học sinh.
Phát triển vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chỉ ra dự thảo Luật Đường bộ chỉ đề cập tới phương tiện sử dụng động cơ điện mà chưa có động cơ khí thân thiện môi trường. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng đồng tình với sự cần thiết, quan điểm xây dựng Luật Đường bộ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...
Bên cạnh đó, dự thảo luật chỉ đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện mà chưa đề cập tới động cơ khí thân thiện môi trường. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị thay thế cụm từ “trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện” thành “trạm sạc/nạp cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện với môi trường” trong toàn bộ dự thảo luật.
Nguồn Báo điện tử Hải Dương
Truy cập hôm nay: 324209
Tổng lượt truy cập: 74943083