Logo
 

Thời hạn giải ngân vốn vay lại năm 2022 đến ngày 31.1 khó khả thi

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định về thời hạn giải ngân số vốn vay lại được điều chỉnh của các địa phương năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định về thời hạn giải ngân số vốn vay lại được điều chỉnh của các địa phương năm 2022.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội xem xét lại thời hạn giải ngân số vốn vay lại được điều chỉnh của các địa phương năm 2022 (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 9.1 về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng thời hạn giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán đến ngày 31.1 là khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ nhất trí với các nội dung điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong tờ trình Chính phủ. Cũng nhất trí cao với những nội dung của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc điều chỉnh, bổ sung là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại và phù hợp quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, về nội dung điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga còn băn khoăn về thời gian giải ngân. Theo đại biểu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ "trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để bảo đảm tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật”.

"Thời gian chỉnh lý ngân sách hằng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào ngày 31.1 năm sau. Do đó, nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến ngày 31.1, trừ 6 ngày nghỉ cuối tuần và 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp giải ngân thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện trả nợ sớm, giảm vay nợ ngân sách địa phương và giảm chi phí nợ lãi sẽ không thực hiện được", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định về thời hạn giải ngân số vốn vay lại được điều chỉnh của các địa phương năm 2022. Việc Chính phủ trình điều chỉnh dự toán ngân sách 2022 thời điểm này là chậm, không bảo đảm thời gian theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước nhưng Quốc hội xem xét cho phép thực hiện để linh hoạt tạo điều kiện cho các địa phương là đúng thẩm quyền. Quốc hội cũng cần xem xét thêm về thời hạn giải ngân và đề nghị quy định rõ thời hạn giải ngân nếu được điều chỉnh trong nghị quyết để Chính phủ và các địa phương thực hiện.

Nguồn Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 2
Truy cập hôm nay: 312708
Tổng lượt truy cập: 59011011