Logo
 

Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Tham luận tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2016-2021, tại Hà Nam

Tham luận tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2016-2021, tại Hà Nam

Thực tiễn đã khẳng định, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được quyết định bởi kết quả hoạt động của Thường trực, các Ban và của mỗi đại biểu HĐND. Trong đó, vai trò của đại biểu HĐND là hết sức quan trọng. Do đặc điểm của đại biểu HĐND có đến 90% đại biểu hoạt động không chuyên trách, không mang tính chuyên nghiệp, không thường xuyên, trình độ khác nhau và điều kiện tham gia vào hoạt động HĐND cũng không giống nhau. Nhận thức được tầm quan trọng và để giúp cho đại biểu HĐND thực hiện tốt quyền hạn, nhiệm vụ của mình, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã luôn chú trọng, quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức, các kỹ năng hoạt động nói chung và kỹ năng giám sát nói riêng cho đại biểu HĐND.

Giám sát là kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi người đại biểu cần phải hiểu, quán triệt sâu sắc pháp luật về giám sát. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử - Ban Công tác đại biểu tổ chức hội nghị tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh nhằm  bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động giám sát cho đại biểu HĐND như: lựa chọn nội dung giám sát, các bước tiến hành, phương pháp và đối tượng; cách thức thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát; cách thức thẩm tra, xem xét các báo cáo, tờ trình, đề án trình tại kỳ họp HĐND; kỹ năng lắng nghe, tiếp thu, đối thoại và thuyết phục của đại biểu ….Với việc áp dụng phương pháp truyền đạt khoa học của các báo cáo viên, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời có sự trao đổi, thảo luận giữa báo cáo viên và các đại biểu đã nâng cao tính tích cực, chủ động của đại biểu, giúp cho đại biểu nắm bắt kỹ hơn về các kỹ năng hoạt động nói chung và kỹ năng giám sát nói riêng.

Bên cạnh đó, ngày từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương  ban hành “Kế hoạch tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân đến HĐND, đại biểu HĐND các cấp”. Các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tổ chức tiếp công dân định kỳ tại nơi đại biểu ứng cử. Các đại biểu HĐND tỉnh đã cơ bản xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, đó chính là việc giữ mối liên hệ giữa đại biểu HĐND và cử tri; tạo điều kiện để cử tri thực hiện quyền tự do, dân chủ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội. Trong thời gian qua, các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương cơ bản làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân tại nơi ứng cử. Đồng thời, nhân dân, cử tri cũng đã nhìn nhận, đánh giá được trình độ năng lực, thái độ phẩm chất đạo đức của người đại biểu dân cử để có sự lựa chọn nhân sự trong các kỳ bầu cử.

Thực hiện Chương trình giám sát được thông qua tại kỳ họp HĐND, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã triển khai được 06 cuộc giám sát chuyên đề. Tham gia thành viên đoàn giám sát ngoài các đồng chí lãnh đạo HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND còn có các đại biểu HĐND tỉnh có trình độ và am hiểu về các lĩnh vực liên quan đến nội dung giám sát. Trong quá trình tham gia Đoàn, hầu hết các đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nắm bắt các thông tin qua báo cáo, dư luận và trên các phương tiện thông tin đại chúng... liên quan đến lĩnh vực giám sát. Khi giám sát thực tế, các đại biểu chủ động thu thập tài liệu liên quan đến nội dung giám sát để nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát; đồng thời các đại biểu đã phát huy, thể hiện được vai trò trong việc nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm; các kiến nghị, đề xuất có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, hàng năm Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực HĐND hai cấp (tỉnh, huyện) báo cáo kết quả hoạt động cũng như chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của cơ quan dân cử địa phương nhằm giúp đại biểu HĐND có cái nhìn đa chiều và trao đổi, học hỏi để nâng cao các kỹ năng hoạt động nói chung và kỹ năng giám sát nói riêng.

Qua thực tế hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cho rằng khi tham gia vào các hoạt động của HĐND các đại biểu sẽ hình thành được kỹ năng hoạt động chung cũng như kỹ năng giám sát tốt như: nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, biết cách tập trung vào trọng tâm của vấn đề, biết lắng nghe và biết cách đặt vấn đề.. từ đó góp tiếng nói của mình vào việc biểu quyết, thông qua những vấn đề quan trọng của địa phương. Vì vậy, vai trò tích cực của đại biểu HĐND - chủ thể thực hiện quyền năng giám sát và quyết định chính là một trong những yếu tố khách quan tạo nên thành công của hoạt động HĐND.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực như trên, cũng cần nhìn nhận khách quan hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là: Đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng còn có nội dung chưa sâu. Chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động giám sát, chưa quyết liệt truy đến cùng về nguyên nhân và trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giám sát. Tuy được tập huấn về các kỹ năng của đại biểu nhưng một số đại biểu vẫn chưa nhuần nhuyễn các công cụ, kỹ năng trong hoạt động giám sát….

Nhằm tiếp tục nâng cao kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND cấp tỉnh trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương xin đề xuất một số giải pháp sau:

         Một là, HĐND tiếp tục quan tâm đến việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, nhất là các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, chất vấn, phản biện; kỹ năng thẩm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác xây dựng dự toán, quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước…cho đại biểu HĐND.

          Hai là, đại biểu HĐND tiếp tục chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện các kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định.

          Đại biểu HĐND cần tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND nhân dân. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong các hoạt động thuộc thẩm quyền, chức trách của người đại biểu dân cử.

          Ba là, phát huy vai trò của các đại biểu kiêm nhiệm: Đa số các đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm nên nhiều trường hợp, các thành viên Ban HĐND thường có tâm lý “ỷ lại” các đồng chí Trưởng và Phó Trưởng Ban HĐND hoạt động chuyên trách. Vì vậy, việc giám sát của các thành viên Ban hoạt động kiêm nhiệm đôi khi qua loa, không chuyên sâu. Và từ đó, việc phối hợp, hỗ trợ trong giám sát, phát hiện vấn đề, nêu quan điểm, chính kiến của thành viên Ban HĐND đối với những đại biểu được phân công phụ trách sẽ kém hiệu quả, kết quả giám sát do đó sẽ không như mong muốn. Trách nhiệm giám sát của HĐND rất quan trọng, không thể giao cho một vài “chuyên gia” trong một lĩnh vực cụ thể, hoặc những người chỉ muốn giám sát các hoạt động bề nổi, mà cần phải được tất cả các đại biểu HĐND tham gia với một tinh thần nhiệt tình, vì trách nhiệm trước cử tri.

          Bốn là, xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề, nội dung trọng tâm trong giám sát: Việc xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề giám sát là quan trọng nhất. Đại biểu HĐND phải biết chọn đúng việc, sử dụng các công cụ thích hợp theo chức năng, vai trò của mình; phải tổ chức giám sát để phát huy tiếng nói đại diện, có ý nghĩa tác động tích cực tới hoạt động hoạch định chính sách của HĐND và hỗ trợ hiệu quả hoạt động của cơ quan chấp hành .Đại biểu cần lựa chọn những vấn đề mà đa số cử tri quan tâm, cụ thể là những chương trình, dự án có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân như các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thu hút đầu tư, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.… Song song với từng ưu tiên giám sát, người giám sát cũng cần đưa ra những yêu cầu cụ thể khi tiến hành giám sát.

         Năm là, chọn lựa kỹ phương pháp, hình thức và thời điểm giám sát: Một trong những kỹ năng quan trọng là chọn lựa phương pháp, hình thức và thời điểm giám sát nhằm đạt được hiệu quả giám sát cao.Ngoài giám sát qua báo cáo thì đại biểu cũng cần tăng cường giám sát trực tiếp. Đi thực tế để kiểm định thông tin là khâu không thể thiếu của cuộc giám sát. Nghe báo cáo và nhìn thực tế xem có đúng không, vì trăm nghe không bằng một thấy. Qua các cuộc đi thực tế thì đại biểu biết và có cái nhìn đa chiểu để khẳng định những quan điểm của mình.

          Sáu là, giám sát trên tinh thần sẵn sàng, gợi mở, hợp tác: Trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát, người đại biểu phải có kỹ năng nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm. Câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vướng mắc, hướng khắc phục...Trong quá trình giám sát, khi phát hiện những điều bất hợp lý thì đại biểu HĐND tỉnh không nên chỉ trích cơ quan chấp hành mà cần tìm được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề. Với cách làm này giám sát giúp HĐND đánh giá được mức độ tiệm cận giữa chính sách ban hành với kết quả thực hiện tương xứng với nguồn lực tài chính và nhân lực được bố trí thực hiện chính sách đó.

          Bảy là, đại biểu tiếp tục tái giám sát việc thực hiện những kết luận, kiến nghị qua giám sát, những vấn đề còn tồn đọng, những vấn đề chưa xử lý dứt điểm: Khi kết thúc các cuộc giám sát thì đại biểu vẫn tiếp tục theo dõi,  xem xét các đơn vị có thực hiện nghiêm túc những kiến nghị, kết luận đã được nêu ra qua giám sát.

 Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương luôn quan tâm, trú trọng đến việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đại biểu HĐND, giúp đại biểu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng được sự tin tưởng của cử tri và nhân dân, làm nên một nhiệm kỳ hoạt động chất lượng, hiệu quả và trí tuệ.

Đang trực tuyến: 2
Truy cập hôm nay: 317470
Tổng lượt truy cập: 65946543