Logo
 

Nghệ nhân TP Hải Dương gói bánh chưng nhanh nhất

Sáng 4.2 (14 tháng giêng âm lịch), Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh dày tại sân tam quan ngoại chùa Côn Sơn.
Sáng 4.2 (14 tháng giêng âm lịch), Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh dày tại sân tam quan ngoại chùa Côn Sơn.

>>> Mùa xuân trẩy hội Côn Sơn – Kiếp Bạc
>>> 12 đội đăng ký thi gói bánh chưng, 7 đội thi giã bánh dày ở lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
>>> Lễ cáo yết xin mở hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
>>> [Đồ họa] Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay có gì đặc sắc?
>>> 
Hội mùa xuân sắp trở lại


Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc trao cờ lưu niệm cho các đội thi gói bánh chưng

Đây là hoạt động đầu tiên, mở đầu cho một chuỗi sự kiện sẽ diễn ra tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.

Sau 3 năm không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội thi năm nay được mở lại với sự tham gia của tất cả các đội đại diện cho 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Về dự hội thi còn có hàng nghìn đại biểu, nhân dân quanh vùng và du khách thập phương.


Màn múa rồng chào mừng các đội thi

Theo yêu cầu của Ban Tổ chức, mỗi đội thi gồm 5 nghệ nhân, mặc trang phục lễ hội truyền thống, là người thường trú tại địa phương.

Gạo gói bánh là gạo nếp được chọn kỹ, không lẫn gạo tẻ, hạt to, tròn, đều, không có hạt gẫy, đầu đen... Trọng lượng sau khi ngâm xong, để ráo nước là 6,8 kg. Ngoài ra còn có 1,5 kg đỗ xanh đã bóc vỏ, đồ chín. Mỗi đội thi gói 5 bánh chưng chay, 5 bánh mặn để thực hiện nghi lễ cúng Phật tại chùa Côn Sơn. Bánh phải gói bằng tay, không dùng khuôn.


Gạo được cân đúng khối lượng theo yêu cầu của Ban Tổ chức

Ban Tổ chức chuẩn bị sẵn củi nấu bánh, mâm và bàn để bày bánh. Mỗi đội phải gói hết số nguyên liệu đã chuẩn bị, chia đều cho 10 chiếc bánh. Nếu số lượng nguyên liệu còn lại vượt quá 100 g là phạm quy.


Các nghệ nhân xếp hàng chờ hiệu lệnh của Ban Tổ chức để bước vào phần thi

Sau hiệu lệnh của Ban Tổ chức, 60 nghệ nhân của 12 đội khẩn trương thi gói bánh. Mỗi người một phần việc, lần lượt từng chiếc bánh chưng được các nghệ nhân hoàn thành và thành kính bày lên mâm gỗ.

Vốn có thế mạnh ở nội dung này, các nghệ nhân TP Hải Dương đã hoàn 10 chiếc bánh chưng trong thời gian 4 phút 32; huyện Cẩm Giàng hoàn thành cuối cùng, với 9 phút 38.

Sau phần thi gói, bánh chưng sẽ được các đội luộc trong thời gian 5 giờ tại sân vườn chùa Côn Sơn. Thời gian nổi lửa nấu bánh theo hiệu lệnh của Ban Tổ chức.


TP Hải Dương là đội hoàn thành phần thi gói bánh nhanhh nhất với thời gian 4 phút 32

Trước khi có dịch Covid-19, năm nào cụ Vũ Đức Thêm (86 tuổi, ở phường Phả Lại, TP Chí Linh) cũng đến chứng kiến Hội thi gói bánh chưng, bánh dày trong Lễ hội mùa xuân. "Lễ hội bánh chưng, bánh dày là nghi thức rất có ý nghĩa ở di tích Côn Sơn, nhằm giúp con cháu hiểu hơn về ý nghĩa của các vật phẩm dâng lên thần Phật. Ngày càng ít người biết gói bánh chưng nên hội thi này càng có ý nghĩa hơn trong giáo dục truyền thống văn hóa với thế hệ trẻ", cụ Thêm cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh dày, đây là năm thứ 11 hội thi được tổ chức. Qua mỗi lần diễn ra, hội thi được tổ chức nền nếp hơn và nhận được sự quan tâm rất lớn của nghệ nhân và nhân dân cũng như du khách thập phương.


Trong số nghệ nhân gói bánh có nhiều người là nam giới

Nghệ nhân Nguyễn Thế Hòa ở thị trấn Gia Lộc, thành viên đội thi của huyện Gia Lộc cho biết đã tham gia tất cả các hội thi tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Năm nay thời gian gói bánh của đội Gia Lộc không như ý muốn. Tuy nhiên còn nhiều tiêu chí khác để ghi điểm. Hy vọng đội sẽ giành được điểm cao nhất để lần đầu tiên được tham gia hội thi tại Lễ hội Đền Hùng.


Bánh gói xong được đặt ngay ngắn trên mâm gỗ và không được phép chỉnh sửa

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày 5.2 (ngày 15 tháng giêng âm lịch). Số điểm của các đội sẽ căn cứ các tiêu chí: thời gian gói; hình thức bánh chưng phải vuông, cao thành, sắc và thẳng cạnh, bánh đều và đẹp; lá bánh không rách và có màu xanh đặc trưng của lá dong, lạt buộc 6 dây đối với bánh mặn và 4 dây đối với bánh chay; bánh bóc ra có màu xanh, nhân bánh đều chính giữa bánh; chín đều, thơm ngon, mùi vị hấp dẫn...


Kết quả thi gói bánh chưng sẽ được công bố ngày 5.2. Bánh đạt tiêu chuẩn sẽ được dâng lên mâm cúng

Chiều 4.2, cũng tại sân tam quan ngoại chùa Côn Sơn sẽ diễn ra phần thi bánh dày với sự tham gia của 7 đội thi: TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn; các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách và Tứ Kỳ.

Nguồn Báo điện tử Hải Dương

Đang trực tuyến: 6
Truy cập hôm nay: 310854
Tổng lượt truy cập: 55580631