Tổ chức trọng thể Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 7.5, tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đọc Diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Trải qua "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…", với "đôi chân đất", tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội - "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính", là thắng lợi của tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (21.7.1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Tham dự Lễ kỷ niệm có: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang và Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023 - 2025; Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023-2025; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ mở đầu Lễ kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Tham dự Lễ kỷ niệm còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bậc lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động...
Về phía đại biểu khách quốc tế có: Ủy viên Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath; Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Neth Savoeun; đại biểu nước CHND Trung Hoa; Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu; cùng đông đảo, đồng bào, đồng chí đến từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Đúng 7h45, Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu.
Điện Biên Phủ - "điểm quyết chiến chiến lược"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đọc Diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Đọc diễn văn kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào của cả nước, tại thành phố Điện Biên Phủ tươi đẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng và gửi tới quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Các đại biểu trên khán đài tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
"Nhân buổi lễ long trọng này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi đến toàn thể quý vị, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước lời chúc mừng, những tình cảm chân thành, thân thiết nhất và chúc Lễ kỷ niệm của chúng ta thành công tốt đẹp", Thủ tướng cho biết.
"Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trên xe chỉ huy dẫn đầu đoàn diễu binh, diễu hành. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" - Thủ tướng xúc động.
Nêu bật bối cảnh lịch sử từ thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những dấu mốc đặc biệt quan trọng của giai đoạn 1953-1954, Thủ tướng nêu rõ: Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhận định đúng và rõ tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6.12.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho bằng được". Điện Biên Phủ đã trở thành "điểm quyết chiến chiến lược" giữa ta và địch, trong đó Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".
Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã mở các đợt tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường. Những chiến công vang dội của quân và dân ta trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, vừa tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vừa giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản kế hoạch Nava, buộc địch phải chia cắt, phân tán lực lượng để đối phó...
Khối Nghi trượng diễu hành qua lễ đài. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh", Đảng ủy Mặt trận, trực tiếp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của một vị tướng tài ba, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" ngay trước giờ mở màn Chiến dịch.
Bản anh hùng ca bất hủ, thôi thúc phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới
Thủ tướng khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx - Lenin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công".
Khối Chiến sĩ Điện Biên Màn diễu binh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân "từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu" với trên 4 vạn cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
"Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của Nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn. Đến nay, 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh: Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, viết tiếp bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách như Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Nhân dân Campuchia lật đổ và thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Khối sĩ quan Hải quân nhân dân diễu binh. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Phấn đấu cao nhất, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, Thủ tướng lưu ý: Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những thành tựu, kết quả đã đạt được; nhưng cũng không bi quan, hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức; ngược lại càng áp lực, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa; càng phấn khởi, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ đi trước, càng củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước trong hiện tại và tương lai; vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Khối các dân tộc Tây Bắc diễu hành. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng nêu rõ: Thời gian tới chúng ta nguyện tiến bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng chung sức, đồng lòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung: Xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện thật tốt chủ trương: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt"; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam XHCN ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng, đô thị hóa...
Khối nam chiến sĩ Cảnh sát Đặc nhiệm diễu binh. Ảnh: TTXVN
Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị với quan điểm xuyên suốt là: lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển nhanh, bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần...
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Khối Cảnh sát Cơ động Kỵ binh diễu binh, diễu hành trên đường phố Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam": gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; góp phần gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Khối Dân công hỏa tuyến diễu hành. Ảnh: TTXVN
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Nhấn mạnh bối cảnh này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực; tận dụng mọi thời cơ, vận hội mới; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng, những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Khối Cựu Chiến binh diễu hành. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Thay mặt cho hàng vạn chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Phạm Đức Cư, 94 tuổi, trú tại tổ 7, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; bày tỏ nỗi nhớ thương đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, cống hiến xương máu cho cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư mong muốn thế hệ trẻ hôm nay phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống, không ngừng cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Khối sĩ quan Lực lượng Gìn giữ Hòa bình diễu binh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ, đoàn viên Vũ Quỳnh Anh bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào được sinh ra trong hòa bình, tại mảnh đất Điện Biên lịch sử; nguyện khắc ghi công lao của lớp lớp cha anh đã cống hiến, dựng xây; coi đây là hành trang quý giá trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp của mình; nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, chung sức cùng cộng đồng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân; mang khát vọng xung kích của tuổi trẻ và khát vọng chung của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc.
Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của hơn 12 nghìn cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.
Máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua Lễ đài. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành gồm: các khối nghi trượng với các xe mô hình Quốc huy, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe mô hình biểu tượng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; các khối lực lượng vũ trang như Quân đội, Dân quân tự vệ, Công an, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; các khối diễu hành quần chúng và diễu hành khối nghệ thuật như công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc, khối nghệ thuật.
Chương trình diễu binh, diễu hành cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững bản chất cách mạng, phát huy truyền thống dân tộc anh hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; góp phần vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Nguồn Báo Đại biểu Nhân dân
Truy cập hôm nay: 311299
Tổng lượt truy cập: 56514295